THIỀN VÀ ĐẠI TOÀN THIỆN (DZOGCHEN)
Nguyễn Thế Đăng
Giới, định, huệ là sự thực hành chung của Phật giáo. Nhưng tùy theo cái thấy, quan niệm, (view) và kèm sau đó là thiền định và hạnh mà có sự tu tập khác nhau trong các tông phái. Cái thấy, thiền định và hạnh là con đường của Thiền tông, của Đại Ấn (Mahamudra) và Đại Toàn Thiện (Dzogchen).
Trong bài này, chúng ta tìm hiểu giới, định, huệ của Lục Tổ Huệ Năng.
“Sư Chí Thành thưa: Đại sư Thần Tú nói, các điều ác chớ làm, gọi là giới; các điều thiện vâng làm, gọi là huệ; tự tịnh ý mình, gọi là định. Ngài dạy như vậy, chưa rõ Hòa thượng lấy pháp gì dạy người.
Sư nói: Nếu ta nói có pháp để dạy cho người, đó là dối gạt ông. Ta chỉ tùy phương tiện mở chỗ trói buộc cho người, giả danh gọi là tam muội. Như giới định huệ thầy ông nói quả là chẳng thể nghĩ bàn, nhưng cái thấy giới định huệ của ta lại khác.
Chí Thành thưa: Giới định huệ thì chỉ có một thứ, sao lại khác?
Sư nói: Giới định huệ của thầy ông để tiếp người Đại thừa, giới định huệ của ta để tiếp người tối thượng thừa, ngộ hiểu chẳng đồng, cái thấy có mau chậm.
Ông nghe ta nói có đồng với vị kia chăng? Chỗ thuyết pháp của ta không lìa tự tánh. Lìa bản thể mà thuyết pháp gọi là thuyết theo tướng, thường mê tự tánh. Phải biết tất cả muôn pháp đều từ tự tánh khởi dụng, ấy là giới định huệ chân thật”.
Câu văn quan trọng nhất trong đoạn trên là “chỗ thuyết pháp của ta không lìa tự tánh. Lìa bản thể (hay tự tánh) mà thuyết pháp là thuyết theo tướng, thường mê tự tánh”.
Tự tánh, chữ dùng của ngài Huệ Năng, ở trong kinh điển gọi là “thật tướng của tất cả các pháp”, là “bản tánh của tâm”, như các sách dịch từ các bản văn Ấn - Tạng về Đại Ấn và Đại Toàn Thiện là “the nature of mind”, trước kia trong tiếng Hán là “tâm tánh” (bản tánh của tâm). Chữ tự tánh này đồng nghĩa với rất nhiều từ khác trong kinh điển, như “Phật tánh”, Như Lai tạng, “Pháp thân”, “Phật tâm”… để chỉ thực tại tối hậu vốn có nơi mỗi chúng sanh.
Tự tánh, hay bản tánh của tâm theo sự diễn tả của ngài Huệ Năng khi đại ngộ, lúc Ngũ Tổ giảng cho kinh Kim Cương là như sau:
Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
Nào ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
Nào ngờ tự tánh vốn không động lay,
Nào ngờ tự tánh sanh ra muôn pháp.
Lìa tự tánh mà thuyết pháp, mà tu hành thì gọi là thuyết theo tướng, tu theo tướng. Đối với Thiền, Đại Toàn Thiện, Đại Ấn, phải lấy tự tánh hay bản tánh của tâm làm Nền tảng. Nền tảng này phải Thấy và sau đó phải hộ trì, bảo nhậm (Thiền định, Hạnh) nó cho đến khi thân khẩu ý hành giả hoàn toàn là nó. Hộ trì, bảo nhậm theo ngài Huệ Năng là “không lìa tự tánh”
Trong cuốn Tuệ đăng phổ chiếu: Bình giảng về Ba Lời Tuyên Thuyết của Đại Toàn Thiện Dzogchen của Đại sư Garchen Triptul Rinpoche (nxb Hồng Đức, 2019, dịch giả Trần Thị Lan Anh), nói rằng trước tiên và căn bản là thấy bản tánh của tâm, rồi duy trì (to maintain) nó liên tục cho đến khi viên mãn.
Con đường đại thừa cũng tương tự như vậy. Ban đầu là cái thấy Pháp thân lần đầu tiên, được gọi là Kiến đạo vị hay Thông đạt vị. Sau đó là Tu tập vị cho đến Vô học vị (không tu nữa) và cuối cùng thành Giác Ngộ.
Cũng trong đoạn văn trên, ngài Huệ Năng chỉ ra một phương pháp có thể nói là tối ưu, để “không lìa tự tánh” trong đời sống hàng ngày mà bây giờ gọi là “hậu thiền định” (post – meditation). Đó là: khi sống trong đời sống hàng ngày, thấy tất cả mọi hình tướng đều là “tự tánh khởi dụng (sự khởi dụng, sự biểu hiện của tự tánh). Ấy là giới định huệ chân thật”.
***
Lục Tổ nói tiếp:
“Hãy nghe kệ ta:
Tâm địa không lỗi (phi), tự tánh giới,
Tâm địa không si, tự tánh huệ,
Tâm địa không loạn, tự tánh định,
Chẳng tăng chẳng giảm, tự kim cương,
Thân tới thân lui, vốn tam muội”.
Bài kệ này nhấn mạnh vào tự tánh, và trực tiếp chỉ thẳng tự tánh.
Trên đất tâm (tâm địa) khi không có lỗi lầm, sai trái, điều chẳng phải (phi) thì chính ngay đây là tự tánh vốn hằng hằng thanh tịnh. Giới là sự thanh tịnh vốn có của tự tánh.
Tâm địa khi không si, không loạn thì chính tâm địa ấy là tự tánh chưa từng có si, có loạn. Đại Toàn Thiện cũng dạy như vậy, bản tánh của tâm như bầu trời, vĩnh viễn trong sáng, dù thỉnh thoảng có những đám mây tạm thời che khuất, bầu trời vẫn luôn luôn trong sáng, không thể bị hư hỏng, tối tăm vì những đám mây.
Ngài Huệ Năng cũng nói như vậy:
“Bản tánh (tự tánh) tự tịnh tự định. Chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ theo cảnh bèn loạn. Nếu thấy cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là chân định”.
(Phẩm Ngồi thiền).
Cũng trong phẩm này, Lục Tổ nói:
“Thiện tri thức! Trong niệm niệm, tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu tự hành, tự thành Phật đạo”.
Sau khi trực tiếp thấy tự tánh, bản tánh thì “niệm niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh”, không lìa khỏi tự tánh, đó là “tự tu tự hành, tự thành Phật đạo”.
Với sự tu hành, chìm ngập trong tự tánh như con cá chìm ngập trong biển nước, tự tánh sẽ thấm nhuần thân khẩu ý, để chính thân khẩu ý mình là tự tánh:
“Chẳng tăng chẳng giảm tự kim cương
Thân tới thân lui vốn tam muội”.
Khi ấy cái thấy các tướng mình, người, và thế giới đều từ “tự tánh khởi dụng”, hay là tâm Phật khởi dụng. Bởi vì tự tánh Phật hay Phật tâm khởi dụng nên tất cả trần gian biến thành sự biểu lộ của tâm Phật, là cõi thanh tịnh của Phật.