Hai cánh chim đầu đàn của Đoàn Nghệ thuật Bộ đội biên phòng

Thứ Năm, 02/04/2009, 10:30
Đoàn Nghệ thuật Bộ đội biên phòng hoạt động phục vụ chiến sĩ, đồng bào các dân tộc trên mọi miền biên cương của Tổ quốc đã được gần năm mươi năm. Được tôi luyện qua khói lửa chiến tranh, Đoàn đã nhanh chóng trưởng thành, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ Đổi mới.

Sự trưởng thành của Đoàn gắn với nhiều thế hệ nghệ sĩ, song trước tiên phải nhắc đến hai cánh chim đầu đàn là nhạc sĩ, NSND Lê Đóa và biên đạo múa, NSND Trần Minh.

1. NSND Lê Đóa sẵn có năng khiếu và niềm đam mê âm nhạc từ thời còn trẻ. Ông Nguyễn Đức Phồn, người cùng học trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Tĩnh sau Cách mạng Tháng Tám và cùng được tuyển vào Trường Lục quân Khóa VI năm 1950 với NSND Lê Đóa kể lại: “Anh chị em học sinh chuyên khoa thời bấy giờ ai cũng biết anh Lê Hữu Đóa (sau này đổi tên là Lê Đóa) là một thanh niên tính tình điềm đạm, giao tiếp lịch sự, đặc biệt say mê âm nhạc. Anh thường mang theo mình một cây vĩ cầm là loại nhạc cụ cực kỳ hiếm hồi bấy giờ. Những lúc rảnh rỗi, ở nơi trường sơ tán tận vùng cao, anh thường tập họp một số bạn chơi ghita, măngđôlin cùng hòa tấu. Đầu năm 1950, Trường Lục quân cử người đến trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tuyển học viên cho khóa VI. Anh Đóa xung phong nhập ngũ”.

Tháng 5/1950, một số học viên tân binh, trong đó có Lê Đóa được lệnh hành quân sang Côn Minh, Trung Quốc. Cây vĩ cầm nằm trên lưng Lê Đóa suốt chặng đường dài. ở Trường Lục quân, ông rèn luyện miệt mài và tham gia tích cực vào hoạt động văn nghệ trong nhà trường. Với vốn kiến thức âm nhạc sẵn có, ông hướng dẫn nhạc lý cho đồng đội. Khi nhà trường thành lập đội văn công, anh được nhận vào với tư cách một nghệ sĩ biểu diễn vĩ cầm.

Các nhạc sĩ Đỗ Nhuận, Nguyễn Trọng Khoát và Đinh Ngọc Liên, những người mở đường xây dựng đội văn công Trường Lục quân rất có cảm tình với chàng nhạc công trẻ giàu đam mê âm nhạc. Đặc biệt, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, người từng chỉ huy đoàn quân nhạc trong lễ Quốc khánh 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, đã bồi dưỡng cho ông nghệ thuật chỉ huy dàn nhạc.

Chẳng bao lâu, Lê Đóa được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc của Đội Văn nghệ Trường Lục quân. Sau ngày giải phóng Thủ đô, Lê Đóa cùng Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị trở về Hà Nội. Ông được dự lớp sáng tác chỉ huy do các chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và được các giảng viên đánh giá cao.

Với tố chất vững vàng của một người chỉ huy dàn nhạc, sau lớp học, ông được giao trách nhiệm chỉ huy một dàn hợp xướng gồm hàng trăm nhạc công và một dàn nhạc giao hưởng lớn, lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội. Năm 1960, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị dựng vở kịch múa "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh", NSND Lê Đóa đã tham gia chỉ huy hơn 300 buổi biểu diễn. Khi đoàn sang Trung Quốc biểu diễn, giới âm nhạc nước bạn ghi nhận ở ông một tài năng chỉ huy dàn nhạc.

Năm 1965, trước chủ trương của Tổng cục Chính trị tăng cường hạt nhân cho các đoàn nghệ thuật quân khu, quân binh chủng, ông được điều về Đoàn Văn công Công an Vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng). Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông, đây là một dịp thử thách lớn.

Vừa làm việc với những nhạc công chuyên nghiệp, ông vừa phải kèm cặp hướng dẫn những diễn viên số đông là nghiệp dư. Vậy mà qua năm tháng kiên trì công tác, ông đã xây dựng được một đội nhạc vững tay nghề.

Ngoài chức trách chỉ huy đoàn (từ đoàn phó đến đoàn trưởng) và nhiệm vụ chỉ đạo nghệ thuật, NSND Lê Đóa còn làm công việc phối âm, phối khí và sáng tác nhạc múa. Trong hàng chục tiết mục được tặng thưởng huy chương vàng, đều có dấu ấn của NSND Lê Đóa. Trong sự trưởng thành của Đoàn Nghệ thuật Bộ đội biên phòng có sự góp sức đào tạo người tài của ông. Các nhạc sĩ Trần Danh, Doãn Duyên và nhạc sĩ NSƯT Bảo Chung luôn luôn ghi nhớ sự bồi dưỡng của NSND Lê Đóa.

Sau ngày chuyển sang Đoàn Nghệ thuật quân khu 9 và nghỉ hưu, NSND Lê Đóa vẫn tiếp tục giảng dạy, bồi dưỡng nghề nghiệp cho lớp trẻ với niềm đam mê âm nhạc mà ông đã đeo đuổi suốt cuộc đời.

2. NSND Trần Minh từ Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị về Đoàn Văn công Bộ đội biên phòng năm 1961. Trước đó, đoàn đã có đội múa, nhưng vẻn vẹn chỉ có 4 người, cả nam lẫn nữ. Tuy bước đầu còn chập chững nhưng đội đã chịu khó đi học các tiết mục múa của các đoàn bạn.

Nhạc sĩ Trần Danh nhớ lại: "Đêm ra mắt đầu tiên, động tác múa còn khờ khạo tuy lòng yêu nghề thì có thừa". Sự xuất hiện của biên đạo múa Trần Minh đã làm thay đổi bộ mặt của đội múa. Ông tuyển thêm diễn viên, thiết kế sàn tập. Chương trình huấn luyện múa ba lê, múa dân gian được tiến hành đều đặn.

Đồng thời, Trần Minh sáng tác nhiều tiết mục múa như: "Dưới lá quân kỳ", "Nhịp cầu qua suối", "Trở về", "Ba người bạn" - những tiết mục múa đã góp phần làm cho chương trình biểu diễn của Đoàn Văn công giàu sinh khí, có sức hấp dẫn khán giả là đồng bào chiến sĩ khu vực biên phòng. Đội ngũ diễn viên múa, được sự huấn luyện và dìu dắt của NSND Trần Minh đã nhanh chóng trưởng thành.

Nhờ đó, năm 1963, khi Tổng cục Chính trị xây dựng bộ phim "Ngọn lửa Nghệ Tĩnh" dựa vào vở vũ kịch cùng tên, một số diễn viên múa của đoàn được mời sang phối hợp với Đội Ca múa Tổng cục Chính trị. Bản thân NSND Trần Minh cũng được mời tham gia công tác chỉ đạo nghệ thuật và biên đạo múa trong tác phẩm này.

Từ năm 1965, sau khi đế quốc Mỹ chuyển sang chiến tranh cục bộ, đổ quân vào miền Nam, ném bom miền Bắc, tư duy sáng tạo của NSND Trần Minh dường như có sức bật mạnh mẽ khác thường. Tôi nhận thấy ở ông sự nhạy cảm mau lẹ trước thực tế chiến tranh. Một lần, tôi đã cùng ông lên đồn biên phòng Cù Bai, khu vực giới tuyến Vĩnh Linh. Đây là cửa ngõ vào chiến trường miền Nam ngày đêm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.

Trên đường đi qua một bãi bom tọa độ, giữa quang cảnh đất đá lộn nhào, cây cối đổ rạp xác xơ, Trần Minh bắt gặp một đôi dép nữ, một chiếc làn rách có mấy tờ pơ luya dính máu, ông đứng lặng hồi lâu, nước mắt chảy đẫm hai má. Lại một lần khác, năm 1966, sau khi máy bay Mỹ ném bom giết hại đồng bào ta ở Phúc Xá, ven hồ Tây, Trần Minh đã đến tận nơi quan sát. Khi trở về tả lại quang cảnh với tôi và đoàn trưởng Hoàng Điệp, ông không cầm được nước mắt. Ngay ngày hôm sau, ông hình thành xong kịch bản tác phẩm múa "Thù này phải trả".

Trong khí thế cả nước sục sôi đánh Mỹ, NSND Trần Minh sáng tác một loạt tác phẩm múa đỉnh cao. Đi lên vùng biên giới Leng Xu Xìn, Xi Lở Lầu (Lai Châu), ông có tiết mục "Chặng đường biên giới" thể hiện khí thế rắn khỏe của người chiến sĩ biên phòng trên đường tuần tra bảo vệ biên giới. Thâm nhập vùng đồng bào ít người ở miền Tây Nghệ An, ông sáng tác điệu múa "Tày Hạy".

Sau đợt biểu diễn ở tuyến bờ biển Thái Bình, Nam Định, ông sáng tác điệu múa "Tay chài vai súng" biểu dương các nữ dân quân vùng biển dùng súng bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ. Đặc biệt, điệu múa "Ong vò vẽ" là một tác phẩm sống động giàu tính hiện thực, thể hiện mưu trí của nhân dân miền Nam tận dụng đàn ong đốt lính Mỹ khiến chúng phải bỏ dở trận càn.

Hội diễn các đoàn chuyên nghiệp năm 1965 đã đánh giá rất cao chương trình biểu diễn của Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng, trong đó nổi lên các tiết mục xuất sắc như "Ong vò vẽ", "Chặng đường biên giới", "Tay chài vai súng". Một loạt Huy chương Vàng đã được trao tặng cho các tiết mục và diễn viên của đoàn. Từ sau Hội diễn, tên tuổi của đoàn nổi lên như một hiện tượng mới. Nhiều đoàn nghệ thuật đã sắp tiết mục "Ong vò vẽ" vào chương trình biểu diễn của mình.

Năm 1966, Bộ Văn hóa đã chỉ định các bộ phận múa, nhạc của đoàn phối hợp cùng Đoàn Ca múa Trung ương đi biểu diễn ở nước ngoài. Cũng năm 1966, khi xem đoàn Việt Nam biểu diễn tiết mục "Ong vò vẽ", một đồng chí lãnh đạo Cuba hỏi vui: "Việt Nam các bạn có nhiều ong như thế này không?". Trưởng đoàn là nhà thơ Huy Cận ứng khẩu trả lời:

Bạn hỏi miền Nam có nhiều ong?
Tôi rằng đánh Mỹ cũng vừa dùng
Khi loài mổ bụng moi gan tớ
Rừng núi hờn căm cũng hóa ong

NSND Trần Minh không dừng lại ở những tác phẩm đã khẳng định tên tuổi mình trên sân khấu múa chuyên nghiệp. Đỉnh cao sau này của ông là kịch múa "Rừng thương núi nhớ", tiết mục ông đã xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ biên phòng Trần Văn Thọ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trước ông chỉ có hai đoàn lớn đã dựng vũ kịch là Đoàn Ca múa Trung ương (vở "Tấm Cám") và Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (vở "Ngọn cờ Nghệ Tĩnh").

NSND Trần Minh vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật

Lương Sỹ Cầm
.
.
.