NSƯT Bùi Đức Hạnh: Không sợ bị gọi là "kẻ phá chèo"
Nhà nghiên cứu chèo, NSƯT Bùi Đức Hạnh nguyên là Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam. Ông từng được mệnh danh là "nhạc sĩ của một bài" với "Tình ca Tây Bắc" được nhiều người yêu thích. Đến nay, nhà nghiên cứu chèo Bùi Đức Hạnh vẫn là người đầu tiên và duy nhất chuyên ghi nhạc cho các làn điệu chèo qua cuốn sách "150 làn điệu chèo cổ". Sau nhiều cuộc tranh luận nảy lửa về xu hướng cách tân chèo của ông qua các vở "Nàng Si-ta", "Hoàng hậu Ba Tư" đã được ông viết lời "cải biên", hiện NSƯT Bùi Đức Hạnh được khẳng định là một nghệ sĩ có công lớn với làng chèo Việt Nam hiện đại.
Nửa thế kỷ gắn bó với làng chèo, dấu ấn mà nhà nghiên cứu Bùi Đức Hạnh để lại là những công trình nghiên cứu công phu về chèo như "Tìm hiểu âm nhạc sân khấu chèo", "150 làn điệu chèo cổ"... Trong đó, cuốn "150 làn điệu chèo cổ" dày hơn 600 trang là một công trình mà Bùi Đức Hạnh đã dành tâm huyết suốt mấy mươi năm. Từ khi ra đời tới nay, cuốn sách đã trở thành "cẩm nang" của nhiều nghệ sĩ thuộc các đoàn chèo trên cả nước và trở thành một tác phẩm nằm trong cụm tác phẩm của Bùi Đức Hạnh đã được vinh dự trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (cùng với ca khúc "Tình ca Tây Bắc" và bản nhạc không lời cho vở "Cô Son").
NSƯT Bùi Đức Hạnh kể: Năm 1959, ông được điều về công tác ở Ban nghiên cứu chèo, phục vụ chủ trương phục hồi vốn cổ của Trung ương. Khi ấy, bài hát "Tình ca Tây Bắc" của ông vừa ra đời đã nhanh chóng được phổ biến, vậy mà lại phải về Ban nghiên cứu chèo công tác khiến nhạc sĩ trẻ rất buồn lòng. Thậm chí ông đã... khóc, bởi trước đó ông có tâm nguyện đi theo con đường sáng tác tân nhạc. Mà sang với chèo rồi, chắc khó lòng tiếp tục con đường ấy nữa.
Nhưng rồi Bùi Đức Hạnh cũng nhanh chóng quen với công việc mới và không như dự liệu ban đầu, ông còn cảm thấy thích thú khi thường xuyên được tiếp xúc với các nghệ nhân làng chèo đình đám một thời như cụ Trùm Thịnh, Cả Tam, Năm Ngũ, Dịu Hương... "Ngày ấy chưa có các phương tiện hỗ trợ như bây giờ nên việc sưu tầm, ghi chép đều được thực hiện trực tiếp bằng cách ghi "sống": Các cụ hát đến đâu, tôi chép vào sổ đến đấy, sau đó hát lại cho các cụ nghe từng câu, từng đoạn cho đến lúc nào các cụ bảo: "Được!" thì mới chuyển sang bài khác. Lúc đó, mình cũng là một nghệ nhân đấy. Tôi cũng có lợi thế hơn người khác là vừa hát được chèo lại vừa biết về nhạc nên từ năm 1960 đến 1964, tôi đã ghi được khoảng 100 bài, rồi cứ mày mò với từng nốt nhạc để chuyển thành các làn điệu có đủ nhạc và lời. Việc ghi nhạc cho chèo mới thực là kỳ công, tốn nhiều thời gian bởi việc này chưa có tiền lệ. Tôi phải tìm được nét chuẩn nhất với các luyến láy của các cụ cũng như nhịp phách để ghi lại. Nói tóm lại là phải "bắt" được vào cái hồn của các cụ khi hát. Sau này tôi sưu tầm thêm 50 làn điệu nữa từ các nghệ sĩ "con nhà nòi" thế hệ hát chèo thứ 2, thứ 3... Tiếp xúc với các thế hệ, tôi đã ghi chép được hầu hết các biến thể của các làn điệu chèo. Vì thế, cuốn sách của tôi đã đề cập tới nhiều vấn đề của chèo, không chỉ có âm nhạc mà còn có cả văn học của chèo, các điển tích, điển cố, chú giải lời thơ...".
Bị nghệ thuật chèo cuốn hút, nhà nghiên cứu chèo, NSƯT Bùi Đức Hạnh đã có mặt ở tất cả các đoàn chèo trên cả nước để nghe hát chèo, sưu tầm các điệu chèo và cảm nhận sự khác biệt của tiếng hát chèo ở mỗi vùng đất. Âm hưởng của chèo đã ngấm sâu vào ông với trăn trở làm sao để nghệ thuật chèo đi vào cuộc sống, mang hơi thở của thời đại mà vẫn là chèo, nên Bùi Đức Hạnh chính là người đi đầu trong trào lưu cách tân, cải biên chèo vào những năm 80 của thế kỷ trước. Với việc viết các bài hát chèo "cải biên" cho vở "Nàng Si ta" và "Hoàng hậu Ba Tư", hai vở diễn đã có diện mạo thật khác so với những vở chèo truyền thống trước đây. Và đây cũng chính là nguyên nhân nảy sinh các cuộc tranh luận nảy lửa xung quanh câu chuyện về cải biên, cách tân chèo giữa một bên là phe ủng hộ cách tân và một bên là phe ủng hộ việc giữ nguyên như truyền thống. Trong giới chèo, nhất là các nhà lý luận phê bình đã có những phản ứng, tranh luận gay gắt, gọi Bùi Đức Hạnh là... "kẻ phá chèo", nhất là sau khi vở "Một tình yêu sẽ đến" do ông hợp tác với đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang được công diễn. Nhưng rồi, khi xem đi xem lại các vở diễn cách tân như "Nàng Si ta", "Hoàng hậu Ba Tư", nhiều người đã phải công nhận rằng, với việc lược bớt các yếu tố "í ơi" trước đây, nghệ sĩ Bùi Đức Hạnh đã khiến cho các vở chèo trẻ trung hơn, thông tin đến với khán giả nhanh hơn, khiến khán giả cảm thấy thích thú hơn. NSƯT Bùi Đức Hạnh cho biết: "Có những khán giả thích quá, họ còn đi theo đoàn diễn nhiều đêm để học thuộc tất cả các điệu trong vở "Nàng Si-ta" đấy!". Nhưng về sau tôi cũng chủ động chuyển hướng. Tôi hiểu rằng, mình cũng chẳng nên "thách thức" dư luận làm gì...".
Vào những năm 80 của thế kỷ trước, việc một nghệ sĩ phải đối mặt với chuyện bị phê phán trước công luận về một vấn đề nào đó quả là điều không mấy hay ho đối với nhiều người. Với Bùi Đức Hạnh lại khác. Ông bình tĩnh đón nhận tất cả, không lao vào các cuộc tranh cãi đúng - sai, cũng chẳng sợ mang tiếng hay bị gọi là "kẻ phá chèo". Ông vẫn tiếp tục công việc của mình, âm thầm tiếp tục "cách tân" chèo một lần nữa nhưng theo một hướng khác. Một lần nữa, nhiều khán giả lại bất ngờ khi bắt gặp các "chiếu chèo sân đình" trên các sân khấu lớn do NSƯT Bùi Đức Hạnh phục dựng lại. Nhiều người đã đi từ ngạc nhiên đến thích thú. Các vở "Hồ Xuân Hương", "Hồn Trương Ba - Da hàng thịt", "Chổm", "Chiếu chèo sân đình" cũng đã đạt được những thành công, đặc biệt là trong các kỳ Nhà hát Chèo Việt Nam mang chương trình đi biểu diễn ở nước ngoài và đôi khi cũng khiến dư luận ồn ào bàn tán. Song, với quan điểm của người đi tiên phong, biết rõ mình đang làm gì, NSƯT Bùi Đức Hạnh sẵn sàng chấp nhận va vấp để thử nghiệm cái mới, đưa cái mới lên sân khấu chèo. Đây thực sự là một hành động dũng cảm, mặc dù cũng có lúc ông cảm thấy băn khoăn - như lời tâm sự ông viết trong lời tựa của cuốn "Tìm hiểu âm nhạc sân khấu Chèo": "Hơn 50 năm làm chèo trên nhiều lĩnh vực, tôi vừa làm vừa học hỏi suy ngẫm...Có lúc tưởng như mình đã nắm bắt được nó, nhưng rồi lại để trượt khỏi tay. Thật là kỳ diệu, chỉ có mấy vuông chiếu cạp điều trống trơn trải trước cửa đình mà đã diễn ra biết bao điều sâu xa, bí ẩn: niềm vui, nỗi buồn, cái thiện, cái ác, những con người lúc tỉnh lúc say, những mảnh đời nhảy nhót tưởng như nghiêm trang mà cứ như đùa cợt...chẳng biết có tự bao giờ mà mê hoặc lòng người!...Đôi lúc trên đường đi đã nhìn thấy vệt sáng le lói nhưng đi mãi, đi mãi mà vẫn không sao tới đích. Hẳn vì con đường chèo khúc khuỷu, quanh co, núi non che khuất nên mình đã loạng choạng, lạc hướng rồi chăng?".
NSƯT Bùi Đức Hạnh đã sống, gắn bó, yêu thương, say mê và cống hiến cho nghệ thuật sân khấu chèo bẳng cả trí tuệ và trái tim mình... Đến giờ này, ông vẫn chưa thôi những trăn trở với nghệ thuật chèo đương đại, vẫn cảm thấy buồn khi nhìn sân khấu nói chung và sân khấu chèo nói riêng hiu quạnh, thậm chí là đi vào bế tắc, còn các nghệ sĩ chèo thì phải vất vả mưu sinh bằng cách chạy sô hát giá đồng... Ông cũng thực sự lo lắng khi các thế hệ sáng tạo sau này ít người có dấu ấn riêng, ít người dám "phá cách" hay sẵn sàng dấn thân, hy sinh với vai trò "người mở đường" trong nghệ thuật như ông từng làm. Trong quan niệm của ông, nghệ thuật là phải mang dấu ấn cá nhân, không có cái riêng thì không bao giờ có tác phẩm hay. Ở tuổi 80, mặc dù nghỉ hưu đã gần 20 năm song ông vẫn không ngừng sáng tạo, vẫn viết kịch bản, soạn lời cho các vở chèo được các nhà hát đặt hàng. Với Liên hoan sân khấu chèo toàn quốc năm 2013 sắp diễn ra ở Quảng Ninh, ông có góp mặt với vở diễn "Nắng quái chiều hôm" được ông chuyển thể chèo từ kịch bản của NSƯT Đăng Chương.
Trở lại câu chuyện "nhạc sĩ của một bài" với "Tình ca Tây Bắc", tôi hỏi có khi nào ông cảm thấy luyến tiếc về con đường âm nhạc của mình quá ngắn ngủi hay không, NSƯT Bùi Đức Hạnh cười mà rằng: "Thì tôi đúng là "nhạc sĩ của một bài" mà, tôi có cãi đâu. Sau này tôi có sáng tác một số bài nữa, nhưng không có bài nào vượt qua được "Tình ca Tây Bắc". Với người sáng tạo, chỉ được công chúng nhớ, thuộc, yêu một bài thôi, cũng là hạnh phúc lắm rồi. Tôi không viết ca khúc nhưng tôi đã có tới hơn 200 bài chèo trong các vở diễn. Tuy nó không có sức sống bền bỉ, sâu lắng như "Tình ca Tây Bắc", nhưng đó chẳng phải là điều đáng tự hào hay sao?"