Phương Nguyễn

Từ xưa, người ta vẫn ca ngợi Sài Gòn như “hòn ngọc Viễn Đông”. Không chỉ là trung tâm giao thương sầm uất, nơi hội tụ và giao thoa văn, đô thị này còn nổi tiếng bởi khí hậu ôn hoà, hiếm khi có thiên tai. Từ thuở khai hoang mở cõi, các tiền nhân đã chọn được một vùng đất thiên thời địa lợi, ít khi chịu phong ba bão táp, vì nó được bao bọc bởi một trong những khu dự trữ sinh quyển đa dạng và độc đáo nhất Việt Nam: rừng ngập mặn Cần Giờ.

Các con rạch khi thủy triều rút

Khu rừng kề bên đô thị

Tôi rất thích cảm giác khi máy bay hạ độ cao chuẩn bị đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn ra ngoài cửa sổ để ngắm những mảng xanh dường như bất tận dưới mặt đất kia. Những mảng xanh cây lá tự nhiên đó, kết hợp với các dòng chảy ngoằn ngoèo của những con sông, đẹp như một bức tranh thuỷ mặc, lại nằm kề bên một đô thị sầm uất ở vùng đồng bằng giàu có bậc nhất Việt Nam. Đó chính là rừng ngập mặn Cần Giờ – khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận. Đây là khu bảo tồn sinh thái trọng điểm mang tầm Quốc gia, hay chỉ đơn giản theo cách gọi thân thuộc của người Sài Gòn – rừng Sác.

Các mảng xanh của rừng Sác từ xa xưa, vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng, góp phần tạo nên một trong những vùng phát triển kinh tế cực thịnh trong nhiều năm liền, mà lại chưa bao giờ chịu hậu quả của thiên tai. Thật vậy, Sài Gòn từ xưa đến nay, hiếm khi nào đối mặt với những cơn bão nhiệt đới thổi lên từ phía Nam hoặc từ biển Đông đổ vào. Rừng Sác che chắn bão giông, không những thế, khu dự trữ sinh quyển này còn như một chiếc máy điều hoà nhiệt độ, tái tạo nhanh chóng bầu không khí ngột ngạt của thành phố trở lại trong lành.

Điểm nổi bật của rừng Sác là phần lớn diện tích của nó được ngăn cách bởi các con sông lớn. Chính vì sự chia cắt hoàn toàn với đất liền, rừng Sác đã hình thành nên một vùng đầm lầy ngập mặn với hệ sinh thái điển hình, nằm tương đối tách biệt với cuộc sống con người trong suốt nhiều thế kỷ nên không chịu tác động bởi hoạt động khai thác. Rừng Sác có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Chính vì những yếu tố môi trường độc đáo đó, UNESCO đã công nhận rừng Sác là Khu dự trữ sinh quyển đầu tiên của Việt Nam nằm trong mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2000.

Rừng Sác tĩnh lặng

Bề dày lịch sử của vùng đất Cần Giờ

Mỗi lần đến ngao du và khám phá vùng rừng Sác nói riêng và huyện Cần Giờ nói chung, tôi đều phát hiện ra được nhiều điều mới lạ. Khởi thuỷ, vùng đất nằm phía ngoài rìa của khu vực địa lý Đồng Nai – Gia Định có một nền văn hoá bền vững và hưng thịnh, nếu xét từ thời văn hóa Óc Eo. Cần Giờ và các khu vực lân cận, theo các nhà khảo cổ và nghiên cứu sử liệu, từ xưa đã có vai trò như một “trạm trung chuyển” rất lớn giữa hai khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Cần Giờ, hay vùng rừng Sác, luôn có một vai trò quan trong trong suốt chiều dài hình thành và phát triển Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh 300 năm. Trải qua thời gian, rừng Sác với hệ thống sông rạch chằng chịt, đã góp phần không nhỏ vào việc giao thương hàng hoá giữa Sài Gòn và các tỉnh Miền Tây. Bởi thế dân gian có ca dao: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Nhà Bè, Gia Định, Đồng Nai, hệ thống giao thương huyết mạch của miền Nam ngày trước, vốn dĩ phải bao hàm cả Cần Giờ hay rừng Sác.

Rừng Sác, không chỉ quan trọng về mặt địa lý – khí hậu, mà nó còn là căn cứ địa tự nhiên và hiệu quả trong suốt hai thời kỳ kháng chiến của các lực lượng cách mạng. Đã có biết bao trận đánh âm thầm nhưng khốc liệt diễn ra dưới những tán cây rừng.

Ngày nay, từ trung tâm TP. Hồ Chí Minh đi về rừng Sác với khoảng cách 60km mất tầm vài chục phút. Sự thay da đổi thịt của vùng đồng chua nước mặn chuyển biến từng ngày. Chính quyền đã quy hoạch rừng Sác thành khu du lịch sinh thái trọng điểm Quốc gia. Khu rừng xanh không chỉ được bảo tồn bởi vì sự ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng triệu dân ở trung tâm thành phố, mà việc phát triển du lịch dựa trên sự hoà hợp với thiên nhiên, góp phần phát triển kinh tế địa phương cũng là một hướng đi bền vững cho tương lai.

Cây đước sống trong môi trường ngập mặn là loài cây phổ biến ở rừng Sác

Ngày cuối tuần, nếu muốn thoát khỏi sự ngột ngạt của Sài Gòn, đừng ngại ngần, hãy tới rừng Sác. Trong không gian thoáng đãng với cây xanh và chim thú, hãy thả mình thư thái và “sống chậm” trong một vài khoảnh khắc, bạn sẽ thấy trân quý thiên nhiên qua từng hơi thở. Rừng Sác không chỉ là lá phổi xanh của thành phố, mà chính nó sẽ giải toả bớt phiền muộn trong tâm hồn chúng ta…

Xem thêm bài viết cùng chuyên mục: