Home » » QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN VỀ CON NGƯỜI

QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN VỀ CON NGƯỜI

Written By kinhtehoc on Thứ Hai, 30 tháng 1, 2012 | 11:45

Mục tiêu:
Khi học xong chương này anh/chị sẽ nắm được những quan điểm cơ bản của Triết học Mác-Lênin về bản chất con người, quan hệ giữa cá nhân và xã hội, vai trò của quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử; từ đó, vận dụng vào nhận thức và hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ta trong việc xây dựng con người mới trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay.



Nội dung:


I. MỘT SỐ QUAN ĐIỂM TRIẾT HỌC VỀ CON NGƯỜI TRONG LỊCH SỬ VÀ NHỮNG QUAN NIỆM CƠ BẢN CỦA TRIẾT HỌC MÁC-LÊNIN VỀ CON NGƯỜI



1. Một số quan điểm triết học về con người trong lịch sử

a. Quan niệm về con người trong triết học phương Đông

Trong triết học Trung Hoa cổ đại, vấn đề bản tính con người được quan tâm hàng đầu. Nho gia cho rằng bản tính con người là thiện, Pháp gia cho rằng bản tính con người là bất thiện. Đạo gia nhấn mạnh bản tính tự nhiên của con người. Từ sự khác nhau về quan niệm của các trường phái về bản chất con người đã dẫn đến những quan điểm khác nhau về các vấn đề chính trị, đạo đức, xã hội.

Triết học Ấn Độ cổ đại cũng có nhiều quan niệm khác nhau về bản chất con người. Phật giáo khẳng định bản tính vô ngã (không có cái tôi), vô thường (luôn thay đổi) và tính hướng thiện của con người. Các trường phái khác đề cập nhiều tới con người tâm linh.

b. Quan niệm về con người trong triết học phương Tây

Trong triết học phương Tây có hai khuynh hướng cơ bản là duy vật và duy tâm trong quan niệm về con người. Các nhà duy vật từ cổ đại đã khẳng định bản chất vật chất tự nhiên của con người, coi con người cũng như vạn vật trong tự nhiên không có gì là thần bí. Tiêu biểu là quan niệm duy vật theo tinh thần nguyên tử luận của Đêmôcrít về con người. Ông cho nguyên tử là cơ sở để tạo nên thể xác và linh hồn con người.

Đến thời kỳ phục hưng và cận đại con người được đề cập một cách hiện thực hơn mặc dù còn mang tính cơ học. Các nhà duy tâm thì ngược lại, chú trọng hoạt động lý tính của con người. Họ coi con người là sản phẩm của những lực lượng siêu tự nhiên. Ví dụ, như quan niệm của Platôn ở Hy Lạp cổ đại; của Đêcáctơ thời cận đại; Hêghen trong triết học cổ điển đức, v.v. Có thể nói, Phoiơbắc là nhà duy vật lỗi lạc trước Mác có quan điểm duy vật, tiến bộ về con người. Không phải ngẫu nhiên mà triết học của ông được gọi là triết học duy vật nhân bản. Tuy nhiên, Phoiơbắc mới thấy con người có tính loài, con người sinh học, con người tự nhiên. Ông chưa thấy con người xã hội, con người giai cấp, lịch sử. Ông lại sai khi cho tình yêu là yếu tố quyết định con người.

Các nhà triết học phương Tây hiện đại cũng chú ý khai thác nhiều khía cạnh phi lý tính của con người như Phơrớt, triết học hiện sinh của J.Sactơrơ, v.v.

Nhìn chung, các quan niệm trước và ngoài Mác xem xét con người phiến diện, nhìn nhận con người còn trừu tượng, chung chung, phi thực tiễn, phi lịch sử, phi giai cấp.

2. Những quan niệm cơ bản của triết học Mác-Lênin về con người

a. Con người là thực thể thống nhất giữa mặt sinh vật với mặt xã hội

Kế thừa những điểm tiến bộ trong lịch sử triết học về con người triết học Mác-Lênin khẳng định con người là sự thống nhất giữa mặt sinh vật và mặt xã hội, là một thực thể sinh vật - xã hội.

Mặt sinh vật thể hiện ở chỗ, cũng giống như những động vật khác, con người cũng chịu sự quy định của các quy luật sinh học, của tự nhiên như quy luật đồng hoá và dị hoá, quy luật biến dị và di truyền, v.v. Mặt sinh vật có những tương đồng với động vật cao cấp những đã được người hoá, nhân tính hoá.

Mặt xã hội của con người thể hiện ở chỗ, con người là một loại động vật có tính chất xã hội. Toàn bộ đời sống và hoạt động của con người là do hoàn cảnh xã hội quyết định. Con người chỉ trở thành người đích thực khi sống trong xã hội và có hoạt động xã hội cho mình, cho đồng loại. Trước hết, đó là hoạt động sản xuất vật chất. Chính hoạt động sản xuất vật chất biểu thị bản chất xã hội của con người.

Mặt sinh học (sinh vật) là tiền đề cơ sở cho mặt xã hội của con người. Mặt xã hội chỉ có thể phát triển được trên cơ sở phù hợp với mặt sinh học. Con người là sản phẩm của tự nhiên và xã hội nên quá trình hình thành và phát triển con người chịu sự quy định của ba hệ thống quy luật. Quy luật tự nhiên quy định phương diện sinh học của con người. Quy luật tâm lý ý thức quy định sự hình thành tình cảm, niềm tin, khát vọng, v.v của con người, mặc dù chúng được hình thành trên cơ sở nền tảng sinh học của con người. Quy luật xã hội quy định quan hệ xã hội của con người.

b. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội

C.Mác đã xuất phát từ những cá nhân hiện thực cùng với những hoạt động và những điều kiện sinh hoạt vật chất hiện thực của họ. Những điều kiện mà họ thấy có sẵn trong tự nhiên cũng như những điều kiện do chính họ tạo ra. Như vậy, theo C.Mác con người là một động vật có tính chất xã hội với tất cả các nội dung văn hóa, lịch sử của nó. Đây là điểm xuất phát để nghiên cứu con người của triết học mác-xít.

Để nhấn mạnh bản chất xã hội của con người, C.Mác khẳng định: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.

Như vậy, bản chất con người không phải là trừu tượng mà là hiện thực, không phải là tự nhiên mà là lịch sử, không phải là cái vốn có trong mỗi cá thể riêng lẻ mà là tổng hòa của toàn bộ quan hệ xã hội. Rõ ràng, con người là con người hiện thực, sống trong những điều kiện lịch sử cụ thể, trong một thời đại xác định. Thông qua các quan hệ xã hội con người bộc lộ bản chất xã hội của mình.

Thừa nhận ý nghĩa quyết định của mặt xã hội đối với việc hình thành bản chất con người, song không có nghĩa là triết học Mác-Lênin coi nhẹ mặt tự nhiên, phủ nhận cái sinh vật trong yếu tố cấu thành bản chất con người. Ở đây, con người với tư cách là sản phẩm của tự nhiên, mặt khác con người là một thực thể xã hội. Sự tác động qua lại giữa mặt sinh vật và mặt xã hội trong con người tạo thành bản chất con người.

Cần phê phán một số quan điểm cực đoan trong mối quan hệ này: phái duy sinh vật và phái duy xã hội hoặc là tách rời hai mặt sinh vật và xã hội trong con người.

c. Con người vừa là chủ thể vừa là sản phẩm của lịch sử

Không có tự nhiên, không có lịch sử - xã hội thì không thể có con người. Con người là sản phẩm của lịch sử, của sự tiến hoá lâu dài của giới hữu sinh, nhưng con người luôn là chủ thể lịch sử - xã hội. Con người chủ thể lịch sử - xã hội thể hiện ở chỗ:

- Các cá nhân con người chủ động lựa chọn sự tác động của xã hội đối với mình, không chịu khuất phục trước môi trường, điều kiện khách quan, mà chủ động tác động, cải tạo điều kiện khách quan.

- Nhờ hoạt động thực tiễn mà con người cải tạo tự nhiên đồng thời làm nên lịch sử của mình. Do vậy chính con người đã sáng tạo ra lịch sử. Thông qua hoạt động thực tiễn của mình con người thúc đẩy xã hội phát triển từ thấp đến cao.

II. QUAN HỆ GIỮA CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI

1. Khái niệm cá nhân và nhân cách

Cá nhân là một khái niệm chỉ những con người cụ thể như một chỉnh thể đơn nhất bao gồm một hệ thống những đặc điểm cụ thể, khác biệt với những cá nhân khác về cơ chất, tâm lý, trình độ hiểu biết và nhân cách. Khái niệm cá nhân khác khái niệm con người. Con người là khái niệm dùng để chỉ tính phổ biến trong bản chất người của tất cả các cá nhân.

Nhân cách là khái niệm chỉ bản sắc độc đáo, riêng biệt của mỗi cá nhân, là nội dung, trạng thái, tính chất và xu hướng bên trong riêng biệt của mỗi cá nhân. Đó là thế giới của cái "tôi", do tác động tổng hợp của các yếu tố cơ thể và xã hội hết sức riêng biệt tạo nên. Như vậy, nhân cách là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa các cá nhân. Cá nhân là phương thức biểu hiện của giống loài còn nhân cách vừa là nội dung, vừa là cách thức biểu hiện của mỗi cá nhân riêng biệt.

Với những đặc điểm riêng về di truyền, sinh lý thần kinh, hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh sống mỗi cá nhân bước vào cuộc sống, tiếp thu và chuyển những giá trị văn hóa của loài người vào trong đầu óc của mình để thực hiện các quá trình so sánh, lọc bỏ, đánh giá, qua đó tạo nên thế giới riêng cho mình. Nhân cách không phải là bẩm sinh, sẵn có mà được hình thành, phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố sau:

Thứ nhất, nhân cách phải dựa trên tiền đề sinh học và tư chất di truyền học nhất định của cá nhân từng người.

Thứ hai, môi trường xã hội là yếu tố quyết định sự hình hành và phát triển nhân cách thông qua sự tác động biện chứng giữa gia đình, nhà trường và xã hội với cá nhân.

Thứ ba, hạt nhân của nhân cách là thế giới quan cá nhân, bao gồm các yếu tố như quan điểm, niềm tin, tri thức, định hướng giá trị.

2. Biện chứng giữa cá nhân và xã hội

Xã hội là khái niệm dùng để chỉ cộng đồng các cá nhân trong mối quan hệ biện chứng với nhau, bao gồm cộng đồng tập thể, gia đình, cơ quan, cộng đồng quốc gia, dân tộc và nhân loại.

Quan điểm triết học Mác-Lênin về xã hội xuất phát từ quan điểm lịch sử - cụ thể để xem xét mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội mà nền tảng của nó là mối quan hệ giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Đó là mối quan hệ vừa có thống nhất vừa mâu thuẫn.

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, lực lượng sản xuất thấp kém, để duy trì sự sinh tồn của mình, người nguyên thủy phải tiến hành lao động tập thể trên cơ sở chế độ sở hữu công cộng của cộng đồng. Vì vậy, trong xã hội cộng sản nguyên thủy, chưa có đủ điều kiện để mỗi con người trở thành một cá nhân theo đúng nghĩa của nó, cá nhân bị hòa tan vào cộng đồng.

Trong các xã hội dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, quan hệ giữa cá nhân và xã hội mang tính chất đối kháng dựa trên sự đối kháng về lợi ích giai cấp.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng giải phóng con người sâu sắc và triệt để với mục đích cuối cùng của nó là phát triển tối đa năng lực sáng tạo và tự do cho cá nhân.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa sẽ tạo ra những điều kiện khách quan để thực hiện hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội; tạo ra những điều kiện phát triển tự do cá nhân và đồng thời sự phát triển tự do cá nhân là điều kiện để phát triển tự do của mọi người. Tuy nhiên, cần tránh hai thái cực cực đoan. Một là, chỉ thấy cá nhân không thấy xã hội; đem cá nhân đối lập với xã hội, đòi thực hiện nhu cầu cá nhân chưa phù hợp với điều kiện phát triển của xã hội. Khuynh hướng này dễ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân. Hai là, chỉ thấy xã hội mà không thấy cá nhân, hoặc quan niệm sai về lợi thế xã hội, về chủ nghĩa tập thể. Khuynh hướng này dẫn đến chủ nghĩa bình quân, triệt tiêu động lực cá nhân trong phát triển. Cả hai khuynh hướng này đều không đúng, cuối cùng sẽ dẫn đến triệt tiêu sự phát triển của cả xã hội, của cả cá nhân.

III. VAI TRÒ QUẦN CHÚNG NHÂN DÂN VÀ CÁ NHÂN TRONG LỊCH SỬ

1. Khái niệm quần chúng nhân dân và cá nhân trong lịch sử

a. Khái niệm quần chúng nhân dân

Quần chúng nhân dân bao gồm tất cả những lực lượng giai cấp, những tập đoàn người, những cá nhân thúc đẩy sự phát triển của xã hội, trong đó chủ yếu là quần chúng lao động. Trong quần chúng nhân dân bao gồm: một là, những người lao động sản xuất ra của cải vật chất, tinh thần của xã hội, đây là hạt nhân của quần chúng nhân dân; hai là, những bộ phận dân cư chống lại giai cấp thống trị, bóc lột; ba là, những giai cấp, tầng lớp thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội thông qua hoạt động của mình.

Khái niệm quần chúng nhân dân có tính lịch sử. Tuỳ theo chế độ xã hội cụ thể khác nhau mà kết cấu của quần chúng cũng khác nhau; quần chúng nhân dân biến đổi theo phương thức sản xuất.

b. Khái niệm cá nhân trong lịch sử

Vĩ nhân là những cá nhân kiệt xuất trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, nghệ thuật. Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ là những cá nhân kiệt xuất do phong trào cách mạng quần chúng nhân dân tạo nên.

Cá nhân lãnh tụ là những người có năng lực và phẩm chất tiêu biểu nhất trong phong trào quần chúng, được quần chúng tin yêu và tạo nên. Lãnh tụ có vai trò to lớn quan trọng trong lịch sử. Để trở thành lãnh tụ phải có phẩm chất cơ bản:

Một là, có tri thức khoa học uyên bác, nắm được xu hướng vận động của dân tộc, quốc tế và thời đại;

Hai là, có năng lực tập hợp quần chúng, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng vào nhiệm vụ của dân tộc, quốc tế và thời đại;

Ba là, gắn bó mật thiết với quần chúng, dám hy sinh thân mình vì lợi ích của quần chúng, của dân tộc, quốc tế và thời đại.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đánh giá cao vai trò của cá nhân - lãnh tụ trong sự phát triển lịch sử đồng thời kiên quyết chống tệ sùng bái cá nhân.

2. Quan hệ giữa quần chúng nhân dân với lãnh tụ

a. Quan hệ giữa quần chúng nhân dân và lãnh tụ là quan hệ biện chứng

Đây là quan hệ biện chứng, tính biện chứng của quan hệ này thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, quần chúng nhân dân và lãnh tụ thống nhất với nhau. Không có phong trào cách mạng của quần chúng thì không có lãnh tụ. Lãnh tụ có vai trò thúc đẩy phong trào quần chúng, vì họ là những cá nhân ưu tú.

Thứ hai, quần chúng nhan dân và lãnh tụ thống nhất trong mục đích và lợi ích của mình. Chính sự thống nhất lợi ích này đã quy định sự thống nhất về mục tiêu của phong trào; về mục đích và nhận thức cũng như hành động giữa lãnh tụ và cá nhân.

Thứ ba, giữa quần chúng và nhân dân cũng có những khác biệt. Sự khác biệt giữa quần chúng và nhân dân thể hiện ở vai trò cụ thể của lãnh tụ và quần chúng. Quần chúng nhân dân và lãnh tụ khác nhau ở vai trò cụ thể đối với lịch sử, quần chúng đóng vai trò quyết định, lãnh tụ là người dẫn dắt, định hướng phong trào quần chúng, thúc đẩy sự phát triển của phong trào.

b. Vai trò của quần chúng nhân dân

Trước khi triết học Mác ra đời thì không có nhà triết học nào giải quyết đúng vấn đề vai trò quần chúng nhân dân. Theo triết học Mác-Lênin, quần chúng nhân dân người sáng tạo chân chính ra lịch sử. Bởi lẽ, mọi lý tưởng giải phóng con người, giải phóng xã hội muốn thực hiện trên thực tế phải thông qua phong trào quần chúng nhân dân. Quần chúng nhân dân là lực lượng quyết định sự phát triển của lịch sử bởi các lý do sau:

Thứ nhất, quần chúng nhân dân là lực lượng sản xuất cơ bản của mọi xã hội, là người trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất - cơ sở tồn tại, phát triển của xã hội. Nói khác đi, hoạt động sản xuất ra của của cải vật chất cho xã hội của quần chúng nhân dân là điều kiện cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội.

Thứ hai, quần chúng nhân dân là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội; là động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Lịch sử đã chứng minh, không có cuộc cách mạng nào mà lại thiếu sự lực lượng cơ bản là quần chúng nhân dân. Chính quần chúng nhân dân đóng vai trò quyết định thắng lợi của mọi cuộc cách mạng xã hội. Vì vậy, người ta hay nói, cách mạng là ngày hội của quần chúng nhân dân là vậy.

Thứ ba, quần chúng nhân dân là người đóng vai trò to lớn trong sự phát triển văn hóa, nghệ thuật và khoa học, là người sáng tạo ra những giá trị văn hoá tinh thần. Hoạt động của quần chúng nhan dân trong thực tiễn là nguồn cảm hứng vô tận cho mọi sáng tạo tinh thần trong xã hội. Hơn nữa, những giá trị văn hoá tinh thần chỉ trở thành trường tồn khi được quần chúng nhân dân chấp nhận, lưu giữ, truyền bá sâu rộng trong nhân dân. Quần chúng nhân dân không chỉ sáng tạo ra những giá trị văn hoá, tinh thần, khoa học mà còn áp dụng những thành tựu đó vào hoạt động thực tiễn.

Xét tất cả các mặt trong đời sống xã hội, từ kinh tế đến chính trị, từ thực tiễn đến tinh thần tư tưởng, thì quần chúng nhân dân đóng vai trò quyết định lịch sử. Sức mạnh của quần chúng nhân dân là sức mạnh vật chất và mọi sự vận động lịch sử đều do quần chúng trực tiếp tạo ra. Tuy nhiên, chỉ có trong chủ nghĩa xã hội thì vai trò chân chính của nhân dân mới được phát huy một cách triệt để. Vì vậy, cần phê phán những quan điểm không đúng về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo cách mạng luôn đề cao tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

c. Vai trò của lãnh tụ

Trong mối quan hệ với quần chúng nhân dân, lãnh tụ có những nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, lãnh tụ có vai trò nắm bắt xu thế của dân tộc, thời đại trên cơ sở các quy luật khách quan để định hướng phong trào quần chúng.

Thứ hai, định hướng chiến lược và hoạch định chương trình hành động cách mạng.

Thứ ba, tổ chức lực lượng, giáo dục, thuyết phục quần chúng, thống nhất ý chí và hành động của quần chúng nhằm giải quyết nhiệm vụ của phong trào.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đánh gía đúng vai trò của lãnh tụ nhưng đòi hỏi chống tệ sùng bái cá nhân. Người mắc tệ sùng bái cá nhân sẽ thường đặt mình cao hơn quần chúng, cao hơn tập thể, đứng ngoài đường lối, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đảng và Nhà nước ta luôn giáo dục cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần vai trò của quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng.

TÓM LƯỢC NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GHI NHỚ

Trong chương này anh/chị cần ghi nhớ những điểm sau:

1. Bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội.

2. Sự tác động qua lại giữa mặt sinh vật và mặt xã hội trong con người tạo thành bản chất con người.

3. Cá nhân vừa là sản phẩm của xã hội vừa là chủ thể của sự phát triển.

4. Quần chúng nhân dân quyết định lịch sử, lãnh tụ có vai trò to lớn.

5. Trong CNXH quần chúng nhân dân là người làm chủ xã hội, tất cả những cá nhân và bộ máy lãnh đạo, quản lý đều là công cụ thực hiện quyền làm chủ của quần chúng nhân dân.

CÂU HỎI SUY LUẬN

Câu hỏi 1: Cơ sở triết học của quan điểm "lấy dân làm gốc"?

Câu hỏi 2: Vì sao con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình xây dựng xã hội mới ở nước ta?

Câu hỏi 3: Nhân cách là gì và vấn đề xây dựng nhân cách người sinh viên Việt Nam hiện nay?

Gợi ý: Nhân cách là sự tổng hợp các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội tạo nên đặc trưng riêng có của cá nhân. Chú ý, nhân cách được hình thành và phát triển phụ thuộc vào ba yếu tố cơ bản: dựa trên cơ sở sinh học, di truyền tư chất sinh học của cá nhân (phải giáo dục thể chất, sức khoẻ vật lý cho sinh viên); môi trường xã hội (sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục sinh viên Việt Nam hiện nay); thế giới quan của cá nhân từng sinh viên (giáo dục tri thức, tình cảm, niềm tin, định hướng giá trị, v.v cho sinh viên trong điều kiện kinh tế thị trường). Trên cơ sở đó, hình thành ở sinh viên những phẩm chất: trí tuệ, năng lực chuyên môn, phẩm chất chính trị, đạo đức, thẩm mỹ, v.v.

Câu hỏi 4: Nguyên tắc cơ bản của việc xác lập quan hệ giữa cá nhân và tập thể và xã hội là gì?

Gợi ý: Đó là mối quan hệ lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng xã hội, tập thể; là việc giải quyết mối quan hệ lợi ích này.
Share this article :
 
Support : Creating Website | phuctriethoc | NGUYỄN VĂN PHÚC
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved
By Creating Website Published by KINH TẾ HỌC
Proudly powered by NGUYỄN VĂN PHÚC
NGUYỄN VĂN PHÚC : Website | Liên hệ | [email protected]
Proudly powered by Triết học kinh tế
Copyright © 2013. NGUYỄN VĂN PHÚC - All Rights Reserved