Kim Liên, Nam Đàn
Kim Liên
|
||
---|---|---|
Xã | ||
Xã Kim Liên | ||
Cổng chào làng Hoàng Trù và Mậu Tài | ||
Hành chính | ||
Quốc gia | Việt Nam | |
Tỉnh | Nghệ An | |
Huyện | Nam Đàn | |
Tổ chức lãnh đạo | ||
Chủ tịch UBND | Trần Lê Chương | |
Địa lý | ||
Tọa độ: 18°40′17″B 105°33′32″Đ / 18,671468°B 105,55881°Đ | ||
| ||
Kim Liên là một xã thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Đây là quê hương của Hồ Chí Minh và một số chí sĩ yêu nước khác.[1]
Địa lý
Xã Kim Liên trước năm 1945 vốn có tên là xã Chung Cự (chuông lớn) thuộc tổng Lâm Thịnh gồm có bảy làng; làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo(Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), làng Kẻ Móng (Vân Hội)
Ngay vị trí trung tâm xã, giữa thung lũng Nam Đàn, có ngọn núi Chung.
Ranh giới:
- Phía đông giáp xã Nam Giang (huyện Nam Đàn) và xã Hưng Đạo (huyện Hưng Nguyên)
- Phía nam giáp xã Nam Cát (huyện Nam Đàn), xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) và xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn)
- Phía tây giáp xã Hùng Tiến (huyện Nam Đàn)
- Phía bắc giáp xã Nam Lĩnh (huyện Nam Đàn).
Về tên gọi "Kim Liên"
Trong thơ ca ở Việt Nam, từ “sen vàng” và tên làng "Kim Liên" là lấy từ điển tích ở các sách của Trung Quốc: “Theo các từ điển của Trung Quốc như Từ Nguyên và Từ Hải thì 金蓮 (Kim Liên) nghĩa như sau: kim - vàng; liên - hoa sen; Kim Liên - hoa sen bằng vàng thật. Tiêu Bảo Quyển (483 - 501) làm vua nước Tề trong 3 năm (từ 499 - 501) nhưng chỉ lo vui chơi bên cạnh người vợ Phan Ngọc Nhi. Ông ta sai những người thợ khéo tay, lát những bông hoa sen bằng vàng thật trên nền nhà cho Phan Ngọc Nhi đi. Mỗi khi Phan Ngọc Nhi bước đi trên những bông hoa sen bằng vàng thật đó, ông nói: "Thử bộ bộ sinh liên hoa dã" nghĩa là “Mỗi bước đi nở ra một bông hoa sen bằng vàng”. Năm 501, ông ta bị giết rồi hạ xuống tước Đông Hôn Hầu (tước Hầu). Từ đó về sau, người ta thường dùng “Kim Liên” nghĩa là bông hoa sen bằng vàng thật để chỉ người phụ nữ xinh đẹp tuyệt vời.
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du cũng sử dụng điển tích này 3 lần ở các câu thơ 190, 378, 437 để miêu tả về sắc đẹp của Đạm Tiên và Thuý Kiều. Có lẽ các cụ cao niên xưa đã học tập Nguyễn Du để đặt tên làng mình là Kim Liên, để gửi gắm niềm hy vọng và tự hào làng mình nhờ địa linh sẽ sinh ra mỹ nhân.[2]