Bước tới nội dung

Tế Công

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bản để in ra không còn được hỗ trợ và có thể có lỗi kết xuất. Xin hãy cập nhật các dấu trang của bạn và sử dụng chức năng in bình thường của trình duyệt thay thế.
Thiền sư
tế công
濟公
Tên khai sinhLý Tu Duyên
Pháp danhĐạo Tế
Tên khácTế Điên Hòa thượng, Tế công Hoạt Phật, Tế Điên Đạo Tế Thiền sư
Hoạt động tôn giáo
Tôn giáoPhật giáo
Trường pháiPhật giáo Bắc tông
Tông pháiThiền tông
Lưu pháiLâm Tế tông
Chi pháiDương Kì phái
Sư phụHạt Đường Huệ Viễn
Thụ giớichùa Linh Ẩn
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinhLý Tu Duyên
Ngày sinh22 tháng 12, 1130 (hoặc 1148)
Nơi sinhThiên Thai
Mất
Ngày mất16 tháng 5 năm 1209 (79 tuổi hoặc 61 tuổi)
Nơi mấtTịnh Từ tự, Hàng Châu
Giới tínhnam
Thân quyến
Lý Mậu Xuân
Vương thị
Nghề nghiệptì-kheo
Quốc giaNam Tống
Quốc tịchNam Tống
icon Cổng thông tin Phật giáo

Tế Công (chữ Hán: 濟公, 22 tháng 12 năm 1130 - 16 tháng 5 năm 1209), tên khai sinh là Lý Tu Duyên, pháp danh là Đạo Tế, là Thiền sư Trung Quốc đời Nam Tống. Sư là đệ tử của Thiền sư Huệ Viễn Hạt Đường, nối pháp đời thứ 13 tông Lâm Tế, phái Dương Kỳ. Sư còn được gọi với các tên gọi như Tế Điên Hòa thượng, Tế công Hoạt Phật, Tế Điên Đạo Tế Thiền sư.

Những gì người ta biết về sư phần lớn bắt nguồn từ các sự tích, truyền thuyết được truyền miệng trong dân gian. Phổ biến nhất là việc sư thường dùng thần thông để trừ yêu diệt ma, giúp đỡ người khó khăn và chống lại những bất công trong xã hội đương thời. Không giống với các tu sĩ Phật giáo lúc bấy giờ, sư thích ăn thịt, uống rượu. Về ngoại hình, sư thường mặc bộ tăng bào rách được vá lại, đội mũ có thêu chữ Phật (佛), tay phải cầm một bình rượu, tay trái cầm một cái quạt tre rách và trên cổ đeo tràng hạt. Mục đích chính của Tế công khi ăn thịt, uống rượu, ăn mặc lôi thôi như vậy là để giúp cho phàm phu phá đi sự chấp tướng, ngã mạn của mình.

Sau khi mất, Tế công trở thành một huyền thoại lưu truyền trong văn hóa dân gian Trung Quốc, được tín ngưỡng dân gian Trung Quốc thần thánh hóa trở thành một vị thần và được thờ cúng ở nhiều nơi. Dựa trên cảm hứng từ sư, có nhiều tác phẩm, tiểu thuyết đã ra đời. Nổi tiếng nhất là bộ Tế Công Toàn Truyện do Quách Tiểu Đình, người đời Thanh sáng tác.

Tiểu sử

Nhà cũ nơi Lý Tu Duyên và cha mẹ từng sống.

Sư quê ở làng Vĩnh Ninh, huyện Thiên Thai, Thai Châu, tỉnh Chiết Giang; họ Lý, tên Tu Duyên (hoặc Tu Nguyên), Tâm Viễn, tự là Hồ Ấn, hiệu Phương Viên Tẩu. Cha tên là Lý Mậu Xuân, ông vốn là cố vấn quân sự, mẹ là Vương phu nhân. Sư sinh vào năm 1130, một số tài liệu khác nói là năm 1148. Trước lúc sinh ra sư, Vương phu nhân nằm mộng thấy mình nuốt mặt trời.[1][2]

Năm 18 tuổi, cha mẹ đều đã qua đời cả. Sư bèn đến xuất gia và thọ giới tại Linh Ẩn Thiền tự và được ban pháp danh là Đạo Tế. Trong quá trình tham học, sư từng đến yết kiến nhiều vị Thiền sư đương thời như Thiền sư Pháp Không Nhất Bản ở Quốc Thanh tự, Thiền sư Đạo Thanh ở Kỳ Viên tự, Thiền sư Đạo Tịnh ở Quan Âm tự. Cuối cùng, sư đến núi Hổ Khâu, Bình Giang học Thiền với Thiền sư Hạt Đường Huệ Viễn (cũng là trụ trì chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu) và khai ngộ.[1][2]

Không giống với các tăng sĩ Phật giáo bình thường, sư không giữ giới luật, không tụng kinh cũng không ngồi Thiền mà lại thích uống rượu, ăn thịt. Sư hay đến những nơi như quán rượu, lầu xanh, không quan tâm đến việc bị người đời bàn tán, gièm pha.[2] Các vị sư trong chùa Linh Ẩn vì không hiểu được hành động quái lạ của Tế Công và cũng sợ hành vi của sư ảnh hưởng đến thanh danh của chùa nên lên thưa với trụ trì là Lão Thiền sư Huệ Viễn để đuổi Tế công ra khỏi chùa. Lão Thiền sư Huệ Viễn bèn nói với họ: "Cửa Phật rộng lớn, chẳng lẽ chúng ta lại không thể rộng lòng tha thứ cho tên tăng điên này sao?" Từ đó, sư có biệt hiệu là Tế Điên. Nhờ sự bảo hộ của thầy mình, Tế công được tiếp tục cư trú tại chùa Linh Ẩn.[3]

Sau khi Hòa thượng Huệ Viễn thị tịch, Tế công lại bị các vị sư khác trong chùa dèm pha. Sư bèn rời khỏi chùa Linh Ẩn đến trú tại Tịnh Từ Thiền tự ở Hàng Châu. Khi chùa Tịnh Từ bị hỏa hoạn đổ nát, sư đến vùng Nghiêm Lăng hoằng hóa.[1][3]

Tuy có ngoại hình rách rưới và hành động quái dị, Tế công rất tốt bụng và thường thể hiện tinh thần nhập thế cứu đời của Bồ Tát. Theo lịch sử ghi lại, Tế công rất giỏi về y thuật, vì sư thường xuyên cứu sống được nhiều người thoát khỏi cửa tử nên được mọi người tôn kính gọi là Phật sống Tế công. Thậm chí, còn có truyền thuyết nói rằng Tế công là hóa thân của Hàng Long La Hán, một trong thập bát La Hán.[3] Về khả năng thần thông của Tế công, có một truyền thuyết kể lại rằng cư dân ở vùng Tần Hồ rất thích ăn ốc nhưng họ chỉ ăn phần đuôi, sư bèn xin hết chỗ ốc họ bỏ đi đó đem thả xuống sông, ốc sống lại nhưng cụt đuôi.[1]

Hổ Bào Mộng Tuyền (虎跑梦泉), trong khuôn viên nơi chôn cất Tế Công.

Vào ngày 16 tháng 5[4] năm Gia Định thứ 2 (1209), sư an nhiên ngồi kiết già thị tịch tại chùa Tịnh Từ, hưởng thọ 79 tuổi (hoặc 61 tuổi theo các tài liệu khác). Trước khi tịch, sư có để lại một bài kệ:

Sáu mươi năm phiêu bạt đó đây
Vách phên trống toát chẳng hề lay
Bây chừ khăn gói quay về lại
Dòng xưa còn mãi nước trời mây. [1][2]

Đệ tử đem nhục thân của sư an táng tại tháp Hổ Bào (nay nằm ở phía Nam của sở thú Hàng Châu). Thiền sư Bắc Giản Cư Giản (zh. 北礀居簡, 1164-1253), trụ trì đời thứ 37 của chùa Tịnh Từ, soạn Hồ Ẩn Phương Viên Tẩu Xá Lợi Tháp Bi để đề lên tháp Hổ Bào. Bia này mô tả Tế công như sau:

"Ông là người Lâm Hải, là cháu xa của Đô đốc Lý Văn Hòa. Ông được Thiền sư Phật Hải chùa Linh Ẩn truyền dạy Phật Pháp. Ông điên điên nhưng thông tuệ, rách rưới nhưng thanh sạch, sáng tác của ông không công bố, không hoàn toàn theo khuôn mẫu, nhưng luôn mang ý nghĩa siêu việt, có phong cách dật vận của các bậc danh truy thời Tấn, Tống. Ông đi khắp thiên hạ, phóng khoáng bốn mươi năm. Ông đề những dòng thơ hay ở Thiên Thai, Nhạn Đãng, Khang Lô, Tiềm Hoàn. Bất kể mùa đông lạnh giá hay mùa hè nóng bức, ông cũng không có chiếc áo nào lành lặn. Ông ăn uống, nghỉ ngơi không cố định. Ông thường kiếm cơm cho người già, người bệnh và tăng nhân. Ông thường đến những nhà danh gia giàu có, nhưng nếu cưỡng ép thì ông sẽ không đến."
Tượng thờ Tế công tại Hổ Bào Mộng Tuyền.

Sau khi Tế công thị tịch, truyền thuyết kể rằng có người gặp được Tế công ở Tháp Lục Hoà và được sư gửi một bài kệ:

Phiên âm
Ức tích diện tiền dương nhất tiễn
Chí Kim do giác cốt mao hàn
Chỉ nhân diện mục vô nhân thức
Hữu vãn thiên thai tẩu nhất phiên.
Dịch nghĩa
Nhớ mũi tên xưa xước cả mày
Nay còn cảm thấy lạnh rờn tai
Chẳng hay mặt thật không người biết
Lại đến Thiên Thai thử một ngày.[2]

Tác phẩm

Cơ phong và pháp ngữ của Thiền sư Đạo Tế được Tống Trầm biên tập thành Tế Điên Đạo Tế Thiền Sư Ngữ Lục (濟顚道濟禪師語錄), 1 quyển.

Ảnh hưởng

Tế công được tín ngưỡng Đạo giáo Trung Quốc tôn thờ như một vị thần bảo hộ, sư cũng được các tông phái Phật giáo ở Trung Quốc tôn kính và thờ phụng. Các cuộc vấn đáp của sư với mọi người cũng mang nhiều sắc thái của công án Thiền trong Thiền tông Trung Quốc.

Ít nhất kể từ năm 1869, một số nhà ngoại cảm ở Trung Quốc nói rằng họ đã nhận được chỉ dạy của Tế công thông qua hình thức phù kê (扶乩). Điều này đã làm cho văn hóa thờ cúng Tế công trở nên rầm rộ hơn.

Tế công được Đông Tĩnh Viên Phật Hội (東井圓佛會), một tổ chức tôn giáo có trụ sở ở Hồng Kông thờ phụng. Nhất Quán Đạo tôn xưng Tế công là Cổ Phật và phối thờ với các vị Bồ Tát, thần khác theo triết lý của họ như Quan Âm Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Quan công... Các tín đồ Nhất Quán Đạo tin rằng Trương Thiên Nhiên, người sáng lập của đạo này là hóa thân của Tế công.

Ngoài ra, tại Đài Loan và những nơi có người Hoa Kiều sinh sống như Malaysia, có hàng nghìn nơi thờ cúng Tế công theo hình thức đền miếu và tại gia.

Tín ngưỡng Tế công tại Đài Loan

Tín ngưỡng thờ Tế công tại Đài Loan được cho rằng bắt nguồn từ năm Quang Tự thứ 7 (1881) đời Thanh. Trong chiến tranh Trung-Pháp, quân Hoài đã mang kim thân của Tế công sang Đài Loan để thờ cúng. Đến thập niên 1950 và 1960, hình thức này phát triển khắp nơi, với giáng kê và phù loan là hoạt động tín ngưỡng chính.

Trong văn hóa đại chúng

Tranh vẽ Tế công trong Tây Hồ Thập Dị.

Vào thời Nam Tống, các câu chuyện về Tế công chủ yếu được truyền miệng ở vùng Thai Châu, Chiết Giang. Đến thời Minhthời Thanh, những người kể chuyện trong dân gian đã sáng tạo thêm nhiều câu chuyện về Tế công để làm cho câu chuyện trở nên sinh động, đa dạng. Sau đó, nhà văn đời Thanh là Quách Tiểu Đình đã biên soạn tiểu thuyết nhiều chương mang tên Tế Công Toàn Truyện.

Tuy nhiên, ngoại trừ một số câu chuyện là liên quan đến cuộc đời Tế công, những câu chuyện khác là hư cấu hoặc được lấy cảm hứng từ các vị cao tăng khác. Ví dụ như truyện Tế Công đi hóa duyên gỗ xây Đại Bi lầu, dùng cà sa che hết ngọn núi được lấy từ sự tích của Hòa thượng Kim Địa Tạng đời Đường (ngườI được coi là hóa thân của Bồ tát Địa Tạng). Hoặc chuyện Tế công ăn thịt chó nôn ra con chó sống được lấy từ sự tích của Đại sư Bảo Chí đời Lương (Quốc sư của Vua Lương Vũ Đế) ăn thịt chim bồ câu và nôn ra chim bồ câu sống.

Sách

  • Tế Công Toàn Truyện (濟公全傳) do Quách Tiểu Đình (郭小亭) sáng tác, quyển sách này đã được dịch sang Tiếng Anh với tiêu đề: Những cuôc phiêu lưu của tăng điên Tế Công: Trí tuệ say xỉn của vị thiền tăng nổi tiếng nhất Trung Quốc (Adventures of the Mad Monk Ji Gong: The Drunken Wisdom of China's Most Famous Chan Buddhist Monk), dịch bởi John Robert Shaw, xuất bản năm 2014.

Phim điện ảnh

  • Phật Sống Tế Công (The Living Buddha, 濟公活佛), phim Hồng Kông năm 1939 với diễn viên chính là Yee Chau-sui.
  • Tế Công: Phật Sống Tái Sinh (Ji Gong: Reincarnated Buddha, 濟公活佛), phim Hồng Kông năm 1949, diễn viên chính là Yee Chau-sui.
  • Tế Công Tam Khí Hóa Vân Long (How the Monk Chai Kung Thrice Insulted Wah Wan-Lung, 濟公三氣華雲龍), sản xuất vào năm 1950, diễn viên chính Yee Chau-sui.
  • Tế Công Truyện (The Mischievous Magic Monk , 濟公傳), phim Hồng Kông năm 1954, diễn viên chính là Hung Boh.
  • Tế Công Tân Truyền Kỳ (A New Tale of the Monk Jigong), phim Hồng Kông năm 1954, diễn viên chính Leung Sing-bo.
  • Tế Công Hỏa Thiêu Tỳ Bà Tinh (Ji Gong Sets the Fire on the Impenetrable Pi-pa Spirit, 濟公火燒琵琶精), phim Hồng Kông năm 1958, diễn viên chính Leung Sing-bo.
  • Phật Sống Tế Công (Ji Gong: The Living Buddha, 濟公活佛), phim Hồng Kông năm 1964, diễn viên chính Sun Ma Sze Tsang.
  • Tế Công Hiện Đại (A Modern Ji Gong, 摩登濟公), phim Hồng Kông năm 1965, Sun Ma Sze Tsang.
  • Tế Công Đại Náo Công Đường (Ji Gong Raids the Courtroom, 濟公大鬧公堂), phim Hồng Kông 1965, Sun Ma Sze Tsang.
  • Tế Công Tróc Yêu (Ji Gong Is After the Demon, 濟公捉妖), phim Hồng Kông 1965, Sun Ma Sze Tsang.
  • Tế Công Đấu Bát Tiên (Ji Gong and the 8 Immortals, 濟公鬥八仙), phim Hồng Kông 1966, Sun Ma Sze Tsang.
  • Tế Công Hoạt Phật (The Magnificent Monk, 濟公活佛), phim Hồng Kông năm 1969, Cheung Kwong-chiu.
  • Phật Sống Tế Công (The Living Buddha Chikung, 濟公活佛), phim Hồng Kông năm 1975, Yueh Yang.
  • Tế Điên (The Mad Monk, 佛跳牆), phim Hồng Kông sản xuất năm 1977 bởi Shaw Brothers Studio, diễn viên chính Julie Yeh Feng.
  • Ô Long Tế Công (The Mad Monk Strikes Again, 烏龍濟公), phim Hồng Kông sản xuất năm 1978 bởi Shaw Brothers Studio, Julie Yeh Feng.
  • Tân Tế Công Hoạt Phật (Xin Ji Gong Huo Fo, 新濟公活佛), phim Đài Loan năm 1982, diễn viên chính Hsu Pu-liao.
  • Tế Điên (The Mad Monk, 濟公), phim Hồng Kông năm 1993, diễn viên chính Châu Tinh Trì.
  • Tế Công Cổ Sát Phong Vân (Ji Gong: Gu Cha Fengyun, 濟公·古剎風雲), phim Trung Quốc năm 2010, diễn viên chính Du Bản Xương.
  • Tế Công Trà Diệc Hữu Đạo (Ji Gong: Cha Yi You Dao, 濟公·茶亦有道), phim Trung Quốc năm 2010, Du Bản Xương.
Karl Maka, người nổi tiếng nhờ đóng vai Tế Công trong bộ phim Zen Master, 2001.

Phim truyền hình

  • Hàng Long La Hán (Xianglong Luohan, 降龍羅漢), phim truyền hình Đài Loan năm 1984, sản xuất bởi CTV, diễn viên chính Hsu Pu-liao.
  • Tế Công (Ji Gong, 濟公), phim truyền hình Trung Quốc năm 1985, sản xuất bởi Shanghai TV and Hangzhou TV, diễn viên chính Du Bản Xương.
  • Hồ Đồ Thần Tiên (Hutu Shenxian, 糊塗神仙), phim truyền hình Đài Loan 1986, sản xuất bởi TTV, diễn viên chính Lung Kuan-wu.
  • Tế Công (Buddha Jih, 濟公), phim Hồng Kông gồm 2 phần năm 1986, sản xuất bởi ATV, diễn viên chính Lam Kwok-hung.
  • Đại Tiểu Tế Công (Daxiao Ji Gong, 大小濟公), phim truyền hình Đài Loan năm 1987, sản xuất bởi CTS, diễn viên chính Shih Ying.
  • Khoái Lạc Thần Tiên (Kuaile Shenxian, 快樂神仙), phim truyền hình Đài Loan năm 1987, sản xuất bởi TTV, diễn viên chính Cheng Ping-chun.
  • Tế Công (Ji Gong, 濟公), phim truyền hình Trung Quốc 1988, sản xuất bởi Shanghai TV and Hangzhou TV, diễn viên chính Du Bản Xương and Lü Liang.
  • Tế Công Hoạt Phật (Ji Gong Huo Fo, 濟公活佛), phim truyền hình Trung Quốc 1989, sản xuất bởi CTPC and Ningbo Film Company, diễn viên chính Du Bản Xương.
  • Tế Công Tân Truyện (Ji Gong Xin Zhuan, 濟公新傳), phim truyền hình Đài Loan năm 1991, sản xuất bởi CTV, diễn viên chính Ku Pao-ming.
  • Tế Công (Ji Gong, 濟公), phim truyền hình Đài Loan năm 1995, sản xuất bởi TTV, diễn viên chính Châu Minh Tăng.
  • Huyền Thoại Tế Công (The Legends of Jigong, 濟公活佛), phim truyền hình Singapore năm 1996, sản xuất bởi TCS (now Mediacorp), diễn viên chính Xie Shaoguang.
  • Tế Công Hoạt Phật (Ji Gong Huo Fo, 濟公活佛), phim truyền hình Đài Loan năm 1997, sản xuất bởi CTV, diễn viên chính Châu Minh Tăng và Lin You-hsing.
  • Tế Công (The Legend of Master Chai, 濟公), phim truyền hình Hồng Kông năm 1997, sản xuất bởi TVB, diễn viên chính Joey Leung.
  • Tế Công Du Ký (濟公游記), phim truyền hình Trung Quốc năm 1998, sản xuất bởi Zhejiang TV, diễn viên chính Du Bản Xương.
  • Thiền sư (Zen Master, 濟公傳奇), phim truyền hình Hồng Kông năm 2001, chuyển thể từ bộ phim Buddha Jih năm 1986, sản xuất bởi ATV, diễn viên chính Karl Maka.
  • Tế Công (Ji Gong, 濟公), phim truyền hình Đài Loan sản xuất bởi Formosa Television năm 2007, diễn viên chính Lung Shao-hua.
  • Hoạt Phật Tế Công (The Legend of Crazy Monk, 活佛濟公), phim truyền hình Trung Quốc gồm 3 phần sản xuất bởi Shanghai Chongyuan Cultural Company and Hangzhou Baicheng Media Company, diễn viên chính Trần Hạo Dân. Ba phần này được phát hành từ năm 2009-2011.
  • Tân Tế Công (New Mad Monk, 濟公活佛), phim truyền hình Trung Quốc năm 2013 sau phim The Mad Monk (Tế Điên) của Châu Tinh Trì, sản xuất bởi Lafeng Entertainment, diễn viên chính Trần Hạo Dân.
  • Tế Công Truyền Kỳ (Final Destiny, 一笑渡凡間), phim truyền hình Hồng Kông năm 2021, sản xuất bởi TVB, diễn viên chính Tiêu Chính Nam.

Tham khảo

  1. ^ a b c d e “Đạo Tế”. phatgiao.org.vn. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2024.
  2. ^ a b c d e Trần Văn Nghĩa biên dịch (11 tháng 2 năm 2015). “Đường Phật Đi 2”. Thư Viện Hoa Sen. Truy cập ngày 31 tháng 8 năm 2024.
  3. ^ a b c “Biography & Story of Ji Gong”. www.mildchina.com. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 1 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2024.
  4. ^ Ngày 14 tháng 5 theo âm lịch.

Liên kết ngoài