Bước tới nội dung

Bùi Bá Kỳ

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Bùi Bá Kỳ
裴伯耆
Thông tin cá nhân
Sinh
Ngày sinh
1344
Nơi sinh
Hải Dương
Mất
Ngày mất
không rõ
Nơi mất
Nam Kinh
Giới tínhnam
Nghề nghiệpquân nhân
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳnhà Trần

Bùi Bá Kỳ (chữ Hán: 裴伯耆, 1344 - ?) là một võ tướng thời nhà Trần và thời thuộc Minh trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử

[sửa | sửa mã nguồn]

Bùi Bá Kỳ là người làng Phù Nội thuộc châu Hạ Hồng, trấn Ninh Giang xưa; nay thuộc huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Theo lời biểu của Bùi Bá Kỳ tâu với vua Minh Thành Tổ, thì cha ông Bùi Bá Kỳ đều làm chính đại phu, chết vì việc nước. Mẹ ông cũng có họ hàng gần với nhà Trần cho nên thuở nhỏ ông được vào hầu quý vương, làm quan đến ngũ phẩm, sau theo làm tỳ tướng của tướng Trần Khát Chân. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, ông từng đỗ Thái học sinh của nhà Trần.[1].

Khi Hồ Quý Ly giết hại Trần Khát Chân và tông thất nhà Trần, nghe lời bạn là Lê Cảnh Tuân, liền chạy sang Yên Kinh (Bắc Kinh) gặp Minh Thành Tổ, xin nhà Minh mang quân sang đánh nhà Hồ và lập lại nhà Trần.

Nghe lời tâu, vua Minh lấy làm cảm động sai quan chu cấp cơm áo cho ông. Ít lâu sau có Trần Thiêm Bình[2] chạy qua nước Lão Qua sang Bắc Kinh, tự xưng là con vua Trần Nghệ Tông, cũng xin nhà Minh khởi binh báo thù. Minh Thành Tổ hỏi Thiêm Bình cần bao nhiêu quân, Thiêm Bình nói rằng chỉ cần vài nghìn người, đến đó người ta tự nguyện hành phục. Bùi Bá Kỳ nói rằng không thể được. Vua Minh giận, phế bỏ Bá Kỳ, đem ông an trí ở Thiểm Tây, Cam Túc.

Đến khi Thiêm Bình thất bại, vua Minh cho gọi Bá Kỳ về ban sắc cho và ân cần hứa hẹn sẽ lập con cháu nhà Trần và để ông làm phụ thần. Rồi sai Bá Kỳ theo quân Minh về nước...[3]

Sau đó, vua Minh Thành Tổ lấy chiêu bài "Phù Trần diệt Hồ" sai Trương Phụ dẫn quân rầm rộ kéo sang, rồi chiếm đóng luôn nước Việt. Bùi Bá Kỳ được nhà Minh phong chức Hữu tham nghị.

Năm 1407, thất vọng vì biết vua quan nhà Minh không có ý định tái lập nhà Trần, Lê Cảnh Tuân viết thư (Vạn ngôn thư) khuyên Bùi Bá Kỳ yêu cầu nhà Minh giữ lời hứa...Đọc thư xong, ông vội giấu kín trong nhà [4].

Sau, người nhà Minh ngờ Bùi Bá Kỳ có phản lại, bèn bắt đưa về Kim Lăng (Nam Kinh). Sách Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên chép việc này như sau:

(Tuy làm quan, nhưng) Bá Kỳ không dự với đồng liêu ở nha môn, chỉ ở nhà riêng thu nạp các viên quan cũ bị sa cơ lỡ bước. Bấy giờ viên thổ hào ở Đông Triều là Phạm Chấn lập Trần Nguyệt Hồ làm vua ở Bình Than, đề cờ chiêu an gọi là Trung nghĩa quân, cho nên người Minh ngờ Bá Kỳ (có bụng khác)...[3]

Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam thì trong thời gian Bùi Bá Kỳ bị giam ở Nam Kinh, người nhà Minh đã giết chết ông [5].

Lời biểu (trích)

[sửa | sửa mã nguồn]

Lời biểu của Bùi Bá Kỳ tâu với vua Minh đại lược như sau:

... Cha ông tôi đều làm chính đại phu, chết vì việc nước. Mẹ tôi cũng có họ hàng gần với nhà Trần cho nên thuở nhỏ tôi được vào hầu quý vương, quan đến ngũ phẩm, sau theo làm tì tướng với Võ tiết hầu Trần Khát Chân. Cuối năm Hồng Võ, Khát Chân đi dẹp giặc ở Đông Hải mà rồi cha con tặc thần Lê Quý Ly (tên cũ của Hồ Quý Ly) giết chúa chiếm ngôi, tàn sát trung lương, kẻ bị diệt, tộc kể có trăm mười mấy người mà vợ con anh em tôi cũng đều ngộ hại. Bọn họ sai người bắt tôi định làm thịt ướp muối, tôi phải bỏ chạy dài, ẩn hang núi, ước mong tới cửa khuyết đặng bày gan phơi ruột. Dần dà đến vài năm mới thấy được thiên nhan.
Tôi trộm nghĩ rằng: Quý Ly là con viên cố Kinh lược sử Lê Quốc Kỳ, đời đời thờ nhà Trần được sủng vinh; lại con là Thương cũng đội ơn trao cho trọng trách. Nay nhất đán đắc chí trở nên kẻ soán đoạt, thay họ đổi tên, chiếm ngôi đặt hiệu, không tuân mạng triều đình, khiến cho kẻ trung lương phải chướng mắt đau lòng, chỉn mong dấy quân điếu phạt, tôn nghi nối dòng, trừ diệt bọn gian ác, lập lại con cháu nhà Trần thì tôi chết cũng không hủ.
Tôi bắt chước lòng trung của Thân Bao Tự kêu gào dưới cửa khuyết, mong đức hoàng đế cứu xét cho..."[6]

Lời bàn

[sửa | sửa mã nguồn]

GS. Nguyễn Khắc Thuần có lời bàn về Bùi Bá Kỳ như sau[7]:

Bá Kỳ chạy sang Trung Quốc, trong sự căm ghét họ Hồ bởi sự thoán nghịch, còn có sự căm ghét bởi chủ cũ của Bá Kỳ là Trần Khát Chân bị Hồ Quý Ly giết hại. Ấy là lẽ có thể cảm thông. Song cầu cứu quân Minh thì có gì việc rước voi về giày mả tổ?
Bùi Bá Kỳ nhận thư vạn ngôn của Lê Cảnh Tuân rồi bỏ đấy, không dám bầy tỏ chút ưu ái với Cảnh Tuân, ấy là lỗi.
Ông không hề có tham vọng ích kỷ và bẩn thỉu như Trần Thiêm Bình, nhưng sự mơ hồ của ông rốt cuộc cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không kém. Mới hay, sự phản bội có chủ đích với lòng trung ngây thơ mù quán, đôi khi cũng dễ trộn lẫn vào nhau. Sử cũ viết rằng Bùi Bá Kỳ bị quân Minh nghi ngờ nên bắt đem về Kim Lăng...(Vì) quân thù tin rằng: hễ tỉnh ngộ, thế nào Bùi Bá Kỳ cũng chống lại quân Minh xâm lược, cho nên cứ hãy bắt ông ngay khi ông chưa kịp tỉnh ngộ là tốt hơn cả...Thương hại thay Bùi Bá Ký!
  1. ^ Đại Nam nhất thống chí, Quyển XVII, Tỉnh Hải Dương.
  2. ^ Trần Thiêm Bình (?- 1406) vốn là gia nô của Trần Tông, một thổ hào ở vùng biên cương giữa Đại ViệtChiêm Thành. Năm 1400, nhân sự kiện Hồ Quý Ly soán ngôi nhà Trần, ông mạo xưng là con vua Trần Nghệ Tông chạy sang Yên Kinh xin quân Minh đánh lại nhà Hồ.
  3. ^ a b Theo Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch, tr. 223.
  4. ^ Khi quân Minh đến khám nhà Bùi Bá Kỳ bắt được lá thư này, nên đi lùng bắt tác giả. Lê Cảnh Tuân phải đổi tên đi trốn một thời gian.
  5. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 24.
  6. ^ Chép theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 24). Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, Quyển 12, tờ 24) chép tương tự.
  7. ^ Việt sử giai thoại (Tập 4), tr. 52-53, 63.

Sách tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư (Tập 2, bản dịch). Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1985.
  • Nguyễn Q, Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển lịch sử nhân vật Việt Nam, mục từ "Bùi Bá Kỳ". Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1992.
  • Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại (Tập 4 - Thời Hồ và thời thuộc Minh). Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.