Coca-Cola
Phân loại | Cola |
---|---|
Hãng sản xuất | Công ty Coca-Cola |
Quốc gia xuất xứ | Hoa Kỳ |
Trang mạng | coca-cola |
Coca-Cola (hay còn gọi là Coca, cola ,Coke) là một thương hiệu nước ngọt có ga chứa nước cacbon dioxide bão hòa được sản xuất bởi Công ty Coca-Cola. Coca-Cola được điều chế bởi dược sĩ John Pemberton vào cuối thế kỷ XIX với mục đích ban đầu là trở thành một loại biệt dược. Tuy nhiên, doanh nhân người Mỹ Asa Griggs Candler sau đó đã mua lại công thức loại thuốc uống này, và bằng những chiến thuật tiếp thị thông minh, ông đã đưa Coca-Cola trở thành một trong những sản phẩm dẫn đầu thị trường nước ngọt có ga trong thế kỷ XX. Tên của Coca-Cola bắt nguồn từ hai thành phần nguyên bản của thức uống này: hạt côla (chứa nhiều caffein) và lá cây côca. Hiện nay, công thức Coca-Cola vẫn còn là một bí mật thương mại, và chỉ có một số ít công nhân giấu tên biết[1]. Mặc dù vậy, nhiều công thức thử nghiệm khác nhau đã được công bố rộng rãi.
Công ty Coca-Cola sẽ chịu trách nhiệm sản xuất phần chất lỏng cô đặc. Phần nước này sau đó sẽ được bán cho các nhà máy đóng chai Coca-Cola có giấy phép kinh doanh trên khắp thế giới. Các nhà máy này đã có hợp đồng độc quyền theo từng khu vực với công ty, và sẽ tiếp tục hoàn thành sản phẩm bằng cách đóng lon hoặc chai đựng chất cô đặc kèm với nước đã qua xử lý và các chất tạo ngọt.Một lon Coca-Cola 1.2 oz cơ bản ở Mỹ (tức lon 350 ml) có thể chứa tới 38 gram (tức 1,3 oz) đường (thường ở dưới dạng đường HFCS). Các loại Coca-Cola đóng chai sau đó sẽ được bày bán phân phối và vận chuyển tới các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và máy bán hàng tự động trên toàn thế giới. Công ty Coca-Cola ngoài ra cũng bán phần cô đặc trong các thùng chứa nước ngọt tại các nhà phân phối dịch vụ thực phẩm và các nhà hàng lớn.
Công ty Coca-Cola đã giới thiệu nhiều loại sản phẩm dưới thương hiệu Coke. Một trong những sản phẩm nổi tiếng trong số này là Diet Coke Ngoài ra còn có thể kể tới Caffeine-Free Coca-Cola, Caffeine-Free Diet Coke, Coca-Cola Cherry, Coca-Cola Zero, Coca-Cola Vanilla, Coca-Cola Plus và các phiên bản đặc biệt có vị chanh tây, chanh và cà phê. Vào năm 2013,các sản phẩm Coke đã được phân phối tại hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới. Dựa trên nghiên cứu về "thương hiệu toàn cầu tốt nhất" năm 2015 của Interbrand, Coca-Cola xếp thứ ba về mức độ giá trị thương hiệu và thương mại.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Nguồn gốc ra đời
[sửa | sửa mã nguồn]Coca-Cola được phát minh bởi dược sĩ John Stith Pemberton, chủ một phòng thí nghiệm và hiệu thuốc tư nhân. Ban đầu, Pemberton chỉ định sáng chế ra một loại thuốc bình dân giúp chống đau đầu và mệt mỏi. Ông đã mày mò và thử nghiệm, pha chế thành công một loại siro có màu đen như cà phê. Loại siro này trộn với nước lạnh sẽ có thể được một thứ nước giảm nhức đầu và tăng sảng khoái.
Pemberton giữ lại công thức sáng chế này, chỉ biết rằng thành phần quan trọng nhất của loại thức uống này chứa một tỷ lệ nhất định tinh dầu được chiết suất từ quả và lá của cây Kola. Đây là loại cây chỉ có ở khu vực rừng nhiệt đới Nam Mỹ, thành phần chứa một lượng đáng kể cocain và caffeine. Vì thế thuốc có tác dụng làm sảng khoái, chống đau đầu, mệt mỏi. Cái tên Coca-Cola cũng bắt nguồn từ đó. Pemberton đã thay chữ "K" bằng chữ "C" để có vẻ dễ nhìn và quen thuộc hơn.
Sau khi sáng chế ra Coca-Cola, Pemberton rất vui sướng và đã đi khắp nơi chào bán loại nước uống này, đặc biệt tại các quán "Soda-bar" đang thịnh hành ở thành phố Atlanta. Tuy nhiên, Pemberton đã rất thất vọng vì không ai chịu uống thử Coca-Cola. Nó có màu nâu đen và mọi người đều coi đó là thuốc chứ không phải một loại nước giải khát đơn thuần. Công thức Coca-Cola chỉ thực sự trở thành nước giải khát nhờ một nhân viên trong quán bar "Jacobs Phamarcy" khi nhân viên này đã nhầm lẫn pha siro Coca-Cola với nước soda thay vì nước lọc bình thường theo công thức của Pemberton.
Loại Coca-Cola được pha nhầm đó lại ngon miệng hơn bình thường, làm sảng khoái khác thường và lúc đó Coca-Cola mới có thể phục vụ số đông người tiêu dùng. Từ đó quán bar này mỗi ngày pha và bán được từ 9 đến 15 ly Coca-Cola. Tuy nhiên, cả năm đầu tiên Pemberton mới chỉ bán được 95 lít siro Coca-Cola.
Thế kỷ XX
[sửa | sửa mã nguồn]Bức tranh quảng cáo ngoài trời đầu tiên của Coca-Cola được vẽ vào năm 1894 tại Cartersville, Georgia. Xi rô Cola được bán dưới dạng một thực phẩm chức năng dùng luôn để điều trị bệnh đau dạ dày. Sau khoảng thời gian Coca-Cola xuất hiện được 50 năm, thức uống này đã trở thành một biểu tượng quốc gia của Hoa Kỳ. Vào năm 1935, Coca-Cola đã được chứng nhận kosher (tức là một thực phẩm phù hợp các yêu cầu về chế độ ăn uống của Đạo luật Do Thái) bởi Atlanta Rabbi Tobias Geffen, sau khi công ty có một sự thay đổi nhỏ về nguồn gốc một số thành phần trong đồ uống.
New Coke
[sửa | sửa mã nguồn]Vào ngày 23 tháng 4 năm 1985, Coca-Cola đã công khai việc thay đổi công thức đồ uống với sản phẩm mới có tên "New Coke". Các khảo sát sau đó cho thấy hầu hết người tiêu dùng yêu thích vị của New Coke hơn là Coke và Pepsi,[2] tuy nhiên quản lý của Coca-Cola lại không lường trước đến sự hoài niệm của công chúng đối với loại đồ uống cũ, dẫn đến việc người dân biểu tình phản đối rất nhiều. Ngày 10 tháng 7 năm 1985, Công ty Coca-Cola đã một lần nữa thay đổi trở lại công thức truyền thống với sản phẩm Coca-Cola Classic, sử dụng đường HFCS thay vì đường mía làm chất tạo ngọt chính.
Coca-Cola Life
Coca-Cola Life được ra mắt tại Argentina vào tháng 6 năm 2013, tại Chile vào tháng 11 năm đó, tại Thụy Điển vào tháng 6 năm 2014 và tại Anh vào tháng 9 năm 2014. Sau đó nó đã được tung ra ở nhiều quốc gia khác. Coca-Cola Life đã cố gắng cùng tồn tại với Diet Coke và Coca-Cola Zero tại thị trường Argentina và Chile, nhưng nó đã dần bị loại khỏi những thị trường đó do sự đón nhận của khách hàng thấp. Coca-Cola life ra đời để hướng đến những người lớn muốn hương vị coca truyền thống nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe bởi vì coca dùng lá stevia để tạo độ ngọt và giảm calories cho người sử dụng. Ngày nay, Coca-life đã được phân phối ở 42 nước trên toàn Thế Giới.
Thành công và doanh thu
[sửa | sửa mã nguồn]Từ khi được thành lập và đặt trụ sở chính tại Atlanta, bang Georgia, tập đoàn Coca-Cola hiện đang hoạt động trên 200 nước khắp thế giới. Thương hiệu Coca-Cola luôn là thương hiệu nước ngọt bán chạy hàng đầu và tất cả mọi người trên thế giới đều yêu thích Coca-Cola hoặc một trong những loại nước uống hấp dẫn khác của tập đoàn. Ngày nay, tập đoàn Coca-Cola đã thành công trong công cuộc mở rộng thị trường với nhiều loại nước uống khác nhau ban đầu là nước có gas, và sau đó là nước trái cây, nước tăng lực cho thể thao, nước suối, trà và một số loại khác.
Coca-Cola chiếm 3.1% tổng lượng sản phẩm thức uống trên toàn thế giới. Trong 33 nhãn hiệu nước giải khát không cồn nổi tiếng trên thế giới, Coca-Cola sở hữu tới 15 nhãn hiệu. Mỗi ngày Coca-Cola bán được hơn 1 tỷ loại nước uống, mỗi giây lại có hơn 10.000 người dùng sản phẩm của Coca-Cola. Trung bình một người Mỹ uống sản phẩm của công ty Coca-Cola 4 ngày 1 lần. Coca-Cola hiện đã có mặt tại tất cả các châu lục trên thế giới và được biết đến rộng rãi bởi phần lớn dân số thế giới.
Năm 2007, Coca-Cola đã trả cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu là 11 tỷ USD và tiền lương cho 73.000 công nhân là gần 4 tỷ USD. Sản xuất tiêu thụ hết 36 triệu lít nước, 6 tỷ J (Joule/Jun) năng lượng. Có khoảng 1.2 triệu các nhà phân phối sản phẩm của Coca-Cola, 2.4 triệu máy bán lẻ tự động, nộp 1.4 tỷ USD tiền thuế và đầu tư cho cộng đồng 31.5 triệu USD.
Quảng cáo và tiếp thị
[sửa | sửa mã nguồn]Quảng cáo đầu tiên của Coca-Cola, đó là quảng cáo trên The Atlanta Journal[3]
Các quảng cáo, tiếp thị của Coca-Cola bắt đầu với biểu tượng "Uống Coca-Cola" trên vải dầu ở các mái hiên nhà thuốc. Asa Candler sau đó đã đặt tên Coca-Cola không chỉ trên các chai nước ngọt mà còn trên cả quạt, lịch và đồng hồ. Từ ngày đó, những chiến dịch tiếp thị kết hợp với chất lượng tuyệt hảo của Coca-Cola đã khiến thương hiệu này trở thành một trong những thương hiệu được yêu thích nhất thế giới.
Một trong những cách mà Coca-Cola luôn giữ vững quan hệ tốt đẹp với người tiêu dùng là luôn hòa nhập vào hoạt động của họ. Công ty tổ chức các hoạt động thể thao rộng khắp thế giới để quảng bá thương hiệu. Coca-Cola thường mượn hình ảnh ông già Noel trong bộ đồ trắng và đỏ để quảng bá hình ảnh của mình. Các hoạt động quảng cáo của Coca-Cola luôn cực kỳ phong phú và sáng tạo[cần dẫn nguồn], thường được làm theo các chiến dịch vô cùng hoành tráng. Mỗi chiến dịch lại có một câu Slogan riêng cho nó[cần dẫn nguồn]. Trong 100 chiến dịch quảng cáo vĩ đại nhất thế kỷ XX do tạp chí Advertising Age bình chọn, riêng Coke đã độc chiếm đến 3.[cần dẫn nguồn]
Hoạt động tài trợ
[sửa | sửa mã nguồn]Thời điểm những năm 1903, Coca-Cola đã sử dụng các cầu thủ của đội bóng chày nổi tiếng bấy giờ để quảng cáo. Tuy nhiên, hoạt động lừng lẫy nhất của Coca-Cola là việc tài trợ cho một trong những sự kiện thể thao nổi tiếng và tồn tại lâu dài nhất: Thế vận hội Olympics.
Coca-Cola là nhà tài trợ của Olympics từ năm 1928 và trở thành nhà tài trợ lâu đời nhất của thế vận hội. Là thành viên sáng lập chương trình TOP vào năm 1986, Coca-Cola trở thành nhà cung cấp nước uống không cồn cho thế vận hội với rất nhiều sản phẩm. Năm 2012, công ty đã cung cấp cho Thế vân Olympics 23 triệu chai nước uống trong vòng 8 tuần.[4]
Tập đoàn còn có mốt quan hệ giao hữu rất tốt với Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA, NASCAR, Hiệp hội bóng chày và Giải Khúc Côn Cầu, Mỹ. Một loạt các bảng hợp đồng dài hạn với Hiệp hội vận động viên Quốc gia đã giúp Coca-Cola kiếm được rất nhiều cơ hội tiếp thị lớn với 22 vận động viên và 87 quán quân trong mỗi năm.
Open happiness - Patrick Stump, Travis McCoy, Janelle Monae, & Brendon Urie (2009 - 2015)
Wavin' flag - K'naan (2010 - nay)
Taste the feeling - Avicii ft. Conrad Sewell (từ 2016)
David Correy - The World Is Ours
Colors - Jason Derulo
Turn it up - Amee
.........
Và một số nhạc nền khác.
Bên cạnh các hoạt động tài trợ, Coca-Cola còn mạnh tay chi cho việc quảng bá hình ảnh trên các phương tiện truyền thông như báo, đài, truyền hình và Internet. Những quảng cáo của Coca-Cola xuất hiện liên tục trên truyền hình và vô cùng mạnh mẽ, ấn tượng. Internet cũng là một phương tiện tuyệt vời của Coca-Cola. Vào thời điểm tháng 11 năm 2012, Coca-Cola đã có 54 triệu fan trên Facebook, 600.000 người theo dõi trên Twitter và hơn 100 triệu lượt xem ở YouTube trên kênh của Coca-Cola. Những hoạt động quảng cáo trên mọi phương diện đã góp phần không nhỏ đem lại hình ảnh của Coca-Cola in đậm trong tâm trí người tiêu dùng.
Ứng dụng y học
[sửa | sửa mã nguồn]Coca-Cola đôi khi được sử dụng để điều trị phytobezoar dạ dày. Trong khoảng 50% trường hợp được nghiên cứu, chỉ riêng Coca-Cola đã được tìm thấy có hiệu quả trong việc hòa tan phytobezoar dạ dày. Thật không may, cách điều trị này có thể dẫn đến nguy cơ tắc ruột non trong một số ít trường hợp, cần phải can thiệp phẫu thuật.
Thuế
[sửa | sửa mã nguồn]Thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam
[sửa | sửa mã nguồn]Từ tháng 3 năm 2017 đến tháng 12 năm 2019, Tổng cục Thuế đã thực hiện một đợt thanh tra thuế tại công ty, thanh tra lượng hồ sơ từ năm 2007 - 2015. Trong quá trình thanh tra, Coca-Cola Việt Nam đã mắc phải những sai sót nhỏ và công ty đã thông báo với Tổng cục Thuế sẽ hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ được yêu cầu. Theo Tổng Cục Thuế, Coca-Cola đang trong quá trình thực hiện, Tổng cục Thuế cũng chưa kết luận là doanh nghiệp không thực hiện.
Đồng thời, trong văn bản gửi tới báo chí ngày 10 tháng 1 năm 2020, Coca-Cola Việt Nam thể hiện sự tôn trọng cho đa số các kết luận của Tổng Cục Thuế, và công ty giữ nguyên quan điểm của mình rằng công ty đã hoạt động hoàn toàn tuân thủ theo pháp luật. Quan điểm này được thể hiện rõ ràng trong tất cả các văn bản giải trình và tài liệu được chuẩn bị và nộp lên Tổng Cục Thuế theo quy định thường kỳ và trong đợt thanh tra. [5][6][7][8]
Tham khảo
[sửa | sửa mã nguồn]- ^ CNN, Ivana Kottasova. “Does formula mystery help keep Coke afloat?”. CNN (bằng tiếng Anh). Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2022.
- ^ “Top 10 Bad Beverage Ideas: New Coke”. TIME.com. Truy cập 3 tháng 3 năm 2017.
- ^ “The First Ad for Coca-Cola”. Coca-Cola Conversations. 29 tháng 5 năm 2009. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2012.
- ^ “Những nhà tài trợ hàng đầu Olympic 2012”. VietNamNet.
- ^ thanhnien.vn (10 tháng 1 năm 2020). “Coca-Cola Việt Nam phản hồi chính thức vụ phạt 824,1 tỉ đồng thuế”. thanhnien.vn. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2023.
- ^ “Coca-Cola Việt Nam bị phạt, truy thu thuế hơn 821 tỉ”. VOV.VN. 10 tháng 1 năm 2020. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2023.
- ^ Trí, Dân (10 tháng 1 năm 2020). “Lãnh đạo Tổng cục Thuế: "Coca-Cola đã nộp thuế gốc hơn 471 tỷ đồng"”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2023.
- ^ Trí, Dân (10 tháng 1 năm 2020). “Lãnh đạo Tổng cục Thuế: "Coca-Cola đã nộp thuế gốc hơn 471 tỷ đồng"”. Báo điện tử Dân Trí. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2023.