Nghị viên Nguyễn Tâm: 'Đảng Dân Chủ khó lật ngược thế cờ'

Ông Nguyễn Tâm, nghị viên thành phố San Jose, California

Nguồn hình ảnh, Nguyen Tam

Chụp lại hình ảnh, Ông Nguyễn Tâm, nghị viên thành phố San Jose, California
  • Tác giả, Tina Hà Giang
  • Vai trò, BBCvietnamese.com

Vài ngày sau cuộc phỏng vấn với LS Nguyễn Quốc Lân về cử tri gốc Việt và cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ, BBC có dịp trao đổi với nghị viên Nguyễn Tâm của thành phố San Jose về cùng đề tài.

Cùng là dân cử của những thành phố đông dân Việt Nam nhất tại Hoa Kỳ, nhưng hai ông Nguyễn Quốc Lân và Nguyễn Tâm có những nhận định rất khác nhau về tình hình chính trị tại Mỹ.

Đặc biệt, ông Nguyễn Quốc Lân, đảng Cộng Hoà lo ngại rằng Hạ Viện có thể mất vào tay đảng Dân Chủ sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Trái lại, ông Nguyễn Tâm, đảng Dân Chủ lại cho rằng rất khó cho đảng của mình lật ngược thế cờ theo tình trạng hiện nay.

BBC: Sau hai năm dưới sự lãnh đạo củaTổng thốngDonald Trump, ông có nhận định gì về cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới? Có dấu hiệu gì cho thấy Dân Chủ, Cộng Hòa, đảng nào đang nắm lợi thế không?

NV Nguyễn Tâm: Cuốn sách "Fear" sắp phát hành của tác giả Bob Woodward cộng thêm bài xã luận ẩn danh trên tờ New York Time hôm thứ Tư đã trở nên những điềm bất lành cho Tổng thống Donald Trump khi vòng vây điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller ngày càng siết chặt khiến cho ông Trump càng thêm chật vật và rối rắm. Nhiều chiếc ghế dân biểu liên bang Hoa Kỳ đã họăc có thể bị lọt vào tay Dân Chủ hay cấp tiến. Ngay cả nội bộ đảng Dân Chủ cũng bị khuynh hướng cấp tiến quá khích lật đổ như cô Alexandria Ocasio-Cortez lật ông Joe Crowley (NY14) hồi tháng Sáu, và mới đây, nghị viên Ayanna Presley cũng đã lật dân biểu đương nhiệm Michael Capuano (MA07).

Tuy nhiên, vẫn chưa đủ để đạt được mục tiêu con số 24 ghế ưu thế trong tay phe Cộng Hòa hiện nay. Đồng thời, tuy ông Muller đã triệt hạ được nhiều nguời liên quan đến Trump, nhưng vẫn chưa có được chứng cớ cụ thể nào liên quan đến mục tiêu chính, đó là nghi vấn sử dụng điệp báo của Nga Sô cho cuộc tranh cử 2016. Và chỉ còn 9 tuần lễ nữa là bầu cử rồi, mà cử tri vẫn chưa thấy dấu hiệu lay chuyển gì nhiều.

BBC: Theo ông thì cử tri người Việt có những suy nghĩ gì, phản ứng ra sao và sẽ bỏ phiếu thế nào trong cuộc bầu cử giữa kỳ này?

NV Nguyễn Tâm: Câu hỏi hơi rộng liên quan đến nhiều cuộc bầu cử ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng có thể nói chia làm hai cấp: Cấp cao gồm tiểu bang và liên bang, và cấp địa phương từ quận xuống thành phố. Ở cấp cao, vì đây là cuộc bầu cử giữa kỳ, tức là chỉ bầu cấp Thống đốc tiểu bang, do đó không sôi nổi như bầu Tổng thống như năm 2016 hay 2020. Vì vậy, những người đương nhiệm thì chẳng có gì phải quan tâm vì họ thường thăng tuyệt đối hay không có ai ra tranh giành. Ngay cả chức vụ Thống đốc thì ông Gavin Newsom đang dẫn đầu quá xa 28 điểm so với thủ công hòa John Cox. Còn ở cấp địa phương thì không lệ thuộc vào chính đảng (non-partisan), do đó không bị ảnh hưởng gì đáng kể.

BBC:Ông nghĩ gì về nhận định của LS Nguyễn Quốc Lân về việc cộng đồng người Việt là cộng đồng thiểu số duy nhất có mức ủng hộ Donald Trump rất cao, và lý do có sự phân cách đó?

NV Nguyễn Tâm: Có thể nói tôi thuộc về một thiểu số rất ít người Việt theo đảng Dân Chủ, còn hầu hết đại đa số bà con mình theo đảng Cộng Hòa. Nhưng rất may vấn đề chính đảng Hoa Kỳ vẫn còn là một ý niệm mơ hồ xa vời và không ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, do đó ít có dịp xảy ra tranh chấp. Thêm nữa, niềm Nam Cali nhất là quận Cam vốn là thành trì của đảng Cộng Hòa nhưng người Mỹ vùng Bắc Cali đa số lại theo đảng Dân chủ. Một số đông người Việt, nhất là cựu quân dân cán chính, thường theo đảng Cộng Hòa với niềm tin vào khuynh hướng diều hâu chống cộng binh vực VNCH, và họ sẵn sàng bỏ qua những điểm mốc lịch sử chứng minh ngược lại như Dân Chủ Johnson đưa quân đổ bộ vào Việt Nam chiến đấu chống cộng, và Cộng Hòa Nixon lại đi đêm với Trung cộng bỏ rơi VNCH, Cộng hòa Ford hủy bỏ mọi cam kết bảo vệ miền Nam, Dân chủ Carter mở tay đón tiếp người tị nạn, v.v… Do đó một số bạn bè tôi và các em giới trẻ có khuynh hướng chọn đảng Dân Chủ vì chủ trương binh vực người tị nạn di dân và đề cao các chương trình xã hội giúp đỡ dân nghèo. Trong khi đó thì đa số cộng đồng mình vẫn ủng hộ Tổng thống Trump theo truyền thống Cộng Hòa, và họ tỏ ra rất hài lòng về một số hành động cụ thể tỏ ra chống Trung cộng như việc đánh thuế mậu dịch, v.v..

BBC:Sinh hoạt chính trị trong cộng đồng San Jose, hay nói chung Bắc Cali, so với Nam Cali có những tương đồng và dị biệt gì?

NV Nguyễn Tâm: Hai miền Nam-Bắc Cali có hai cộng đồng người gốc Việt đông đảo nhất nước Mỹ và thế giới, với rất nhiều họat động sôi nổi thu hút sự quan tâm của nhiều người xa gần. Có thể nói nội dung và bản sắc thì giống nhau, và chỉ khác nhau ở cấu trúc của tổ chức hành chánh địa phương. Nam Cali thì tuy đông dân Việt gấp đôi bắc Cali, nhưng lại chia ra nhiều thành phố nhỏ. Nguồn tài chánh ngân sách của chính quyền tập trung vào quận Cam, tương đương với một tỉnh, trong đó có nhiều thành phố nhỏ. Do đó vai trò và quyền lực của Giám sát viên rất quan trọng, trước đây có GSV Janet Nguyễn, và hiện đang có GSV Andrew Đỗ. San Jose, ngược lại, là thành phố với một triệu dân, đứng hàng thứ 10 nước Mỹ, có 10 nghị viên và một thị trưởng làm việc toàn thời gian với ngân sách $3.5 tỉ đô la.

Người nghị viên có trách nhiệm chăm sóc cho 100 ngàn cư dân trong quận mình. Mỗi văn phòng nghị viên có khỏang 5, 6 nhân viên làm việc với ngân sách dành riêng cho mỗi quận. Về mặt nội dung, thì sinh hoạt các cộng đồng đều giống nhau ở các đặc điểm như chống cộng, tích cực, nhiều ý kiến, hay tranh cãi, và chia thành nhiều nhóm nhỏ, do đó không có sức mạnh tập thể đòan kết.

Nhưng bù lại nhờ vào sự cạnh tranh thi đua nhau, nhờ đó mà mọi người mọi nhóm phải luôn cố gắng cải tiến làm tốt hơn. Thủ phủ quận Cam có rất nhiều thành tựu đáng kể như tượng đài chiến sĩ, diễn hành, chợ đêm, v.v... Riêng tại San Jose thì có những đặc biệt như chào cờ vườn Việt, Café Vườn Rau Việt, Trung tâm Văn hóa Việt Mỹ do thành phố đài thọ toàn phần, v.v…

Cộng đồng San Jose gây qũy cứu trợ nạn nhân lũ lụt

Nguồn hình ảnh, Nguyen Tam

Chụp lại hình ảnh, Cộng đồng San Jose gây qũy cứu trợ nạn nhân lũ lụt

BBC:Người Việt hải ngoại, trong đó có Hoa Kỳ, rất tha thiết với việc Việt Nam có dân chủ và có nhân quyền. Nhưng xem ra ông Trump có vẻ không mặn mà lắm về nhân quyền cho Việt Nam, cử tri vùng San Jose nghĩ gì về điều này?

NV Nguyễn Tâm: Tuy mọi người Việt Nam vẫn mong đợi Tổng thống Trump có quan điểm hay hành động cụ thể hỗ trợ cho đấu tranh tự do dân chủ nhân quyền tại Việt Nam, nhưng thực tế chỉ là thất vọng nầy đến thất vọng khác, và chính quyền Trump đã bỏ lỡ nhiều có hội rất quý báu. Mới đây nhất, hồi tháng 7 nhân cuộc viếng thăm của Ngoại trưởng Pompeo, thì bài phát biểu của Đại sứ Daniel Kritenbrink về cuộc viếng thăm này đã gây xôn xao khi tự kiểm duyệt để bỏ đi chữ "nhân quyền." Chỉ mỗi một chữ nhỏ bé như thế mà còn không dám nói, thì mong gì đến những quan điểm hay thái độ cứng rắn hơn đối với chế độ cộng sản Hà Nội. Vì thế mà cho đến nay, hoàn cảnh của Việt Nam càng ngày càng tệ hại hơn, nhưng chưa hề thấy một phản ứng cụ thể nào của Tổng thống Trump. Nhất là càng ngày ông càng thêm vất vả đối phó với thù trong giặc ngoài ngay tại tòa Bạch ốc, thì tâm trí đâu mà lo chuyện xa vời bên kia bờ đại dương.

BBC: Theo ông tại sao người Việt lại có nhận định rằng đảng Cộng Hòa đánh cộng sản và đảng Dân Chủ làm mất miền Nam Việt Nam như LS Nguyễn Quốc Lân nói?

NV Nguyễn Tâm: Như tôi đã nói, lịch sử ghi rõ về việc chống cộng hay hợp tác với cộng sản quốc tế của lãnh tụ các đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa. Sự thật ngược lại với quan niệm của một số người Việt cho rằng Dân Chủ thì thân cộng và Cộng Hòa thì chống cộng. Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy đối với Mỹ, thì chẳng có vấn đề binh hay chống cộng, mà chỉ có quyền lợi của Mỹ trên hết. Nói rõ hơn, quyền lợi của tập đoàn tư bản Mỹ trên hết, bất chấp đồng minh là ai.

Đối với Mỹ, không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh viễn, mà chỉ có kẻ thù và đồng minh giai đoạn, như đã được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử, mà nổi bật nhất phải kể đồng minh với Nga chống Đức hồi đệ Nhị thế chiến, sau đó thì lại đồng minh với Đức chống lại Liên Sô. Nay thì Tổng thống Trump lại rất phục ông Putin và công khai vận động cho Nga tham gia vào hội nghị thượng đỉnh kinh tế G7, v.v…

Đối với Nhật thì từ là kẻ thù dội bom nguyên tử, nay trở thành đồng minh sát cánh tại Á Châu. Đối với cộng sản Việt Nam cũng thế, trước đây là kẻ thù qua chiến tranh tàn khốc với hàng triệu binh lính và hơn 58,000 người hy sinh, nhưng nay thì đã trở thành đồng minh hợp tác trên mọi mặt kể cả quân sự mỗi ngày một gia tăng.

BBC:Theo ông thì người Việt nghĩ thế nào về sự cứng rắn của ông Trump với Trung Quốc? Ông ta có thực sự cứng rắn không? Hay cuộc chiến thương mại là cách mà ông ấy tỏ ra cứng rắn?

NV Nguyễn Tâm: Tổng thống Trump đã tỏ ra cứng rắn trong việc tung ra chiến tranh mậu dịch đánh thuế nhập khẩu lên trên $250 tỉ hàng hóa Trung quốc, nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng mậu dịch kéo dài từ nhiều năm nay. Nhưng ngược lại, giới nông dân và sản xuất của Hoa Kỳ cũng đang khổ sở vì bị Trung quốc trả đũa trên 5,200 mặt hàng xuất khẩu từ Mỹ, với tổng giá trị lên đến $150 tỉ đô.

Đồng thời, Tổng thống Trump lại vội vã cứu sống công ty ZTE sau khi công tuy nầy bị trưng phạt vì vi phạm luật bán hàng cho quốc gia khủng bố. Vấn đề chiến tranh mậu dịch của Tổng thống Trump không phải chỉ dành cho Trung quốc, mà xảy ra cho tất cả các quốc gia đồng minh, NATO, Mễ và Canada nữa. Do đó đây không phải là sự trừng phạt, mà chỉ là những giải pháp mạnh mẽ nhằm cải tiến thị trường ngoại thương mà thôi.

BBC: Dù chiến tranh thương mại có lợi cho Hoa Kỳ hay không, nhiều người Việt, kể cả người Việt trong nước vẫn cho đây là một điểm son của ông Donald Trump, rằng chỉ có ông mới đập được cho ông Tập Cận Bình như thế. Nghị viên nghĩ gì về điều này?

NV Nguyễn Tâm: Xin nhắc lại, tôi không thấy chủ trương của Hoa Kỳ là đánh đập ai trong lúc nầy cả. Ngay cả vụ Bắc Hàn, Tổng thống Trump cũng chỉ muốn đạt mục tiêu giải giới hạt nhân, và sau khi bị hố nặng, vẫn phải kiên nhẫn chờ đợi và ra lệnh huy bỏ chuyến đi của ngoại trưởng Pompeo. Về vụ Trung Quốc cũng thế, Hoa Kỳ phải có những hành động cứng rắn như ông Trump đã tung ra chẳng qua là nhằm cải tiến tình trạng mậu dịch thâm thủng mỗi ngày càng tồi tệ hơn mà thôi. Ngay cả đồng minh khối NATO cũng bị sốc khi Tổng thống Trump mạnh mẽ chỉ trích họ trong việc đóng góp ngân sách, kết quả là các quốc gia ấy phải gia tăng tỉ lệ ngân sách đóng góp vào NATO.

BBC:Nếu phải tiên đoán, Nghị viên nghĩ là vào bầu cử giữa kỳ chỉ còn vài tháng nữa thôi này, đảng Dân Chủ có lấy được đa số ghế ở một trong hai viện không, hay là sẽ như thế nào?

NV Nguyễn Tâm: Phía Dân Chủ cần phải lật 24 ghế trong mùa bầu cử 9 tuần nữa. Tuy có dấu hiệu cho thấy họ đang trên đà gia tăng, nhưng phe Dân Chủ vẫn chưa đưa ra một đường lối chính sách cải tiến cụ thể nào nhằm giải quyết tình trạng nhập cư lậu, giảm tiền bảo hiểm sức khỏe, hay gia tăng nhà cửa. Trái lại, với sự phát triển kỷ lục về kinh tế, và mức độ gia tăng công việc cao độ, sẽ càng bảo đảm cho chính quyền đương thời khi người dân vẫn có công ăn việc làm, v.v.. Do đó phe Dân Chủ, theo tôi, sẽ rất khó lật ngược thế cờ theo tình trạng hiện nay.

BBC: Là một người trong đảng Dân Chủ, ông mong nhìn thấy gì?

NV Nguyễn Tâm: Trước khi làm nghị viên hay chọn khuynh hướng Dân Chủ khi vào quốc tịch Hoa kỳ 35 năm qua, tôi là một người Việt Nam và vẫn thấy mình là người Việt Nam. Buổi sáng bước ra đường tôi là một người Mỹ, nhưng đêm tối trở về trong căn phòng riêng tư, tôi trở về với hạnh phúc sâu kín bên chén cơm, tô canh rau mắm cá kho. Tôi chia xẻ những suy tư khát vọng chung cho quê hương dân tộc mình bên kia bờ đại dương. Những suy tư khát vọng ấy không có biên giới địa lý hay tổ chức chính trị phe nhóm. Tôi có viết lên tâm sự ước mơ qua bài hát Trái Tim Việt Nam: "Nghe trong tim anh có những lời sông núi. Nghe trong tim em có tiếng gọi dân lành, Nghe trong tôi bao nỗi niềm Quê Hương. Tên tôi là Trái Tim Việt Nam." Tôi chân thành cầu mong sớm được hát lên ước vọng của mình trên bầu trời quê hương dân chủ tự do một ngày rất gần.

---

Nghị viên Nguyễn Tâm của quận 7 TP San Jose đắc cử chức Nghị viên Thành phố năm 2014, và nhiệm kỳ hiện tại của ông hết hạn vào tháng 11 năm 2018. Trước đó ông hành nghề luật sư trong thời gian 22 năm và được biết với những vụ kiện lớn như vụ Mặt Trận năm 1994 được viết thành sách, và vụ kiện báo Mercury News năm 2000.