Trong một bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến người yêu nhạc đôi nét về nhạc sỹ Tuấn Hải, tác giả bản ‘Phượng Buồn’ nổi tiếng. Xung quanh nhạc phẩm này, trước đây có một hiểu lầm đáng tiếc.
Số là sau khi ghi âm lần đầu tiên qua tiếng hát Hoàng Oanh trong băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản năm 1974 thì xảy ra biến cố 1975, Tuấn Hải ngưng sáng tác và sau đó đi Úc định cư năm 1990.
Trong một bài viết trên trang nhà của nhạc sỹ Tuấn Khanh (nguồn), hiện cũng đang định cư ở Úc Châu, sau nhiều năm im lặng, mãi đến năm 2015, nhạc sỹ Tuấn Hải mới viết một là thư ngỏ để làm rõ về vài hiểu lầm không đáng có.
Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc ‘Ngày Xanh’ tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…
Sau khi tặng Vinh Sử một CD ‘Phượng Buồn’ thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài ‘Phượng Buồn’ nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui… Thế là vấn đề thông qua.
Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc ”tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.
Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: ‘Nỗi buồn hoa phượng’, ‘Hạ buồn’ và ‘Hai cánh phượng buồn’ (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài ‘Phượng Buồn’ của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.
Như vậy là mọi việc đã rõ.
Tuy nhiên, DòngNhạcXưa cũng cần nói thêm một điều: trước đó, tầm những năm 1967 – 1968, hai nhạc sỹ Thanh Sơn & Song Ngọc đã cho ra đời một bản nhạc cũng có tên là ‘Phượng Buồn’ với giai điệu và ca từ hoàn toàn khác.
Nói đến nhạc sỹ Thanh Sơn, người yêu nhạc thường nhớ đến những sáng tác đặc sắc của ông viết cho tuổi học sinh. Thế nhưng bên cạnh những bản cho một thời tuổi xanh, nhà nhạc sỹ bình dị xuất thân từ vùng quê Sóc Trăng còn có nhiều bài hát về tình tự dân tộc có giá trị. DòngNhạcXưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Cát Linh để chúng ta cùng nhìn lại đôi nét về dòng nhạc Thanh Sơn.
Có một người nhạc sĩ, mà khi nhắc đến ông, người ta nghĩ đến những ca khúc về mùa hè dành cho tuổi học trò, với hình ảnh của hoa phượng, của những dòng lưu bút. Không chỉ thế, ông còn là một nhạc sĩ sáng tác rất nhiều những ca khúc về tình yêu quê hương, mang đậm chất miền Tây Nam Bộ. Mời quí vị cùng nghe lại những ca khúc bất hủ gắn liền với tên của ông, cố nhạc sĩ Thanh Sơn.
“Bài hát Hoa tím người xưa này là một chuyện tình có thật. Một kỷ niệm của đời tôi. Lúc đó vào năm 1965. Tình yêu của tôi rất tràn trề. Tuổi đời của tôi lúc đó ngoài 20. Tôi có quen với 1 người con gái, và chúng tôi có hẹn hò lên Đà Lạt, vào 1 vườn hoa tím rất đẹp. Chúng tôi tâm sự rồi sau đó chia tay. Hai năm sau, tôi trở lại cũng vườn hoa đó, mà người xưa thì không còn nữa. Tôi thẫn thờ, buồn, và thốt lên một câu ‘Người xưa hỡi thấu cho nỗi lòng hoa tím còn người đâu’.”
Đó là lời tâm tình của cố nhạc sĩ Thanh Sơn khi ông còn tại thế trong một buổi nhạc vinh danh ông được tổ chức trong nước. Tiếng nói trầm ấm, hiền hoà đậm chất miền Tây Nam Bộ của người nhạc sĩ làm cho người nghe phần nào hiểu được vì sao nhạc của ông tuy phần nhiều chuyên chở những nỗi buồn, nhưng trong nỗi buồn ấy, vẫn thấp thoáng cái tình ngọt ngào, không có vị mặn của sự trách hờn, giận dỗi.
Trong một bài viết trước đây, [dongnhacxua.com] đã đề cập đến bản “Hàn Mặc Tử” nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Nhắc đến Hàn Mặc Tử và Trần Thiện Thanh, chúng ta không thể nào không nhắc mảnh đất Phan Thiết là quê hương của nhà nhạc sỹ và cũng chính là nơi đã ghi dấu bước chân phiêu bạt của chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tại đây, nhà thơ đã gặp người đẹp Mộng Cầm và giữa hai người đã có một mối tình thơ thật đẹp, để lại nhiều giai thoại trong văn đàn Việt Nam.
Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng. Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, vì ảnh hưởng của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm.[2] Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà[4]
Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Sự thực là Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.[3]
Theo ông Trần Thanh Mại thì: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng… Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.[5]
Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng…”. Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong.[5]
Bà kể thêm rằng: Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi.[3]
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, Mộng Cầm lập gia đình riêng và sống ẩn dật. Bà có 7 người con.[1]
BẢN NHẠC “NƯỚC MẮT MỘNG CẦM” CỦA NHẠC SỸ THANH SƠN
Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, [dongnhacxua.com] vô tình tìm được một bản nhạc viết về chuyện tình của nữ sỹ Mộng Cầm của nhạc sỹ Thanh Sơn, ký dưới nghệ danh Sơn Thảo. Tuy nhiên chúng tôi không thể tìm ra một bản ghi âm nào trên mạng. Vậy nếu quý vị xa gần có sưu tầm được bản nhạc này xin liên lạc với [dongnhacxua.com].
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”
Tiết văn học buổi chiều năm lớp tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ “trí” trong câu: “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng” là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.
Tiết văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.
Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.
Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển. “Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…
Thời đó sống ngay Phan Thiết, nhưng sự lo lắng của một cậu bé nông thôn chiếm hết thời gian mộng mơ đi tìm bà Mộng Cầm, người thực của quá khứ văn chương.
Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó là điều không tưởng với một học trò nghèo.
Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến ngôi nhà của “người tình thơ” năm cũ.
Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.
Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết. Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian cố cũ.
Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng xoang, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái kem flan khác.
Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.
Câu chuyện kem flan Mộng Cầm cứ âm ỉ xúc động trong lòng, tôi viết ra rằng:
“Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà…” (2).
Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt bằng một bức tường gạch.
Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng. Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”. Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:
“Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại…”.
“Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn”.■
(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.
(2): Bài viết: “Biến trang văn thành tour du lịch”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.
Trong hoài niệm của DòngNhạcXưa, những ngày cuối tháng năm là thời khắc vui nhất và cũng là buồn nhất trong cả một niên học. Vui vì vừa hoàn tất các bài thi của học kỳ 2 và buồn là vì sắp phải chia tay các bạn trong 3 tháng hè. Ngày đó, chúng tôi còn nhớ các cô cậu học trò, dù khô khan hay lãng mạn, dù chuyên tự nhiên hay xã hội, đều cố làm cho mình một cuốn lưu bút và đưa cho các bạn chuyền tay nhau ghi vào những dòng hoài niệm.
Người giỏi văn thì viết những lời bay bổng, ai có hoa tay thì để lại những nét vẽ lã lướt, còn ai không có năng khiếu gì thì chỉ cần dán một tấm hình mà mình ưng ý nhất và ký tên. Thế thôi! Theo thời gian, những cuốn lưu bút này sẽ là hành trang quý báu cho các thế hệ học sinh làm hành trang vào đời.
Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, không biết tuổi học trò có còn viết lưu bút như thế hệ của chúng tôi ngày xưa?
Nhân dịp này, DòngNhạcXưa xin giới thiệu bản “Lưu bút ngày xanh” của nhạc sỹ Thanh Sơn và vài hình ảnh về những trang lưu bút cũ mà chúng tôi sưu tầm được trên internet. Xin chủ nhân ở nơi xa nào đó vui lòng cho phép chúng tôi đăng lại để thế hệ sau nhớ về một thời “lưu bút ngày xanh”!
Trong dòng nhạc xưa về tuổi học trò, ca khúc để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là bản “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sỹ Thanh Sơn & Lê Dinh. Với giai điệu mượt mà và ca từ lãng mạn, “Nỗi buồn hoa phượng” đã làm lay động hàng triệu con tim tuổi hoa niên qua nhiều thế hệ. Hôm nay , nhân dịp một mùa hè sắp về, DòngNhạcXưa trân trọng giới thiệu nhạc phẩm bất hủ này.
Cũng xin mạn phép nói thêm, hầu hết chúng ta biết tác giả của bài nhạc này là nhạc sỹ Thanh Sơn. Tuy nhiên trong tờ nhạc xuất bản trước năm 1975, nhạc sỹ Thanh Sơn lại ghi thêm tên nhạc sỹ Lê Dinh vào phần tác giả. Chúng tôi không có đủ tư liệu để biết được nhạc sỹ Lê Dinh đã đóng góp như thế nào vào “nỗi buồn man mác” . Mong quý vị xa gần có cao kiến xin cung cấp thông tin cho DòngNhạcXưa
“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”, những ca từ này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người.
Vâng, quen lắm! Bởi tiếng hát Thanh Tuyền đã song hành cùng với ca khúc Nỗi buồn hoa phượng suốt gần nửa thế kỷ. Đây là một trong rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn viết về đề tài tuổi học trò. Nhạc sĩ đã từng tâm sự với người viết: “Thời niên thiếu, nhà tôi nghèo lại đông con nên tôi phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh. Phải bỏ học, tôi tiếc lắm, cho nên quãng đời rất đẹp của tuổi học trò cứ lưu trong ký ức của tôi với những kỷ niệm xao xuyến. Tôi trang trải những kỷ niệm ấy vào ca khúc…”. Thế nên, ai cũng ngỡ rằng Nỗi buồn hoa phượng cũng chỉ là một ca khúc nằm trong mảng đề tài này và chẳng có gì đặc biệt…
Nhạc sĩ nhớ lại: Năm 1951, cậu học trò Lê Văn Thiện (tên thật của nhạc sĩ Thanh Sơn) học trường Trung học Hoàng Diệu (Sóc Trăng) đã “hết sức quan tâm” đến cô bạn cùng lớp. Cô ấy khá nhí nhảnh, dễ thương, có cái tên ngồ ngộ: Nguyễn Thị Hoa Phượng. Vì thế các thầy cô và bạn bè trong trường không bao giờ gọi tên cô “gọn lỏn” bằng một chữ “Phượng”, mà lúc nào cũng là “Hoa Phượng” một cách vừa thân thương vừa trân trọng. Hoa Phượng là con của một gia đình công chức từ Sài Gòn về làm việc tại Sóc Trăng.
Nhạc sĩ Thanh Sơn hồi tưởng: “Hai đứa học chung được hơn một năm (hai niên khóa), tình cảm đang dần trở nên thắm thiết thì bất ngờ mùa hè năm sau Hoa Phượng cho biết gia đình cô đã được điều chuyển về lại Sài Gòn. Trước ngày chia tay, Hoa Phượng có tìm gặp tôi nơi sân trường để nói lời từ biệt. Hai đứa buồn xo, chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng nhìn nhau… Khi tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc thì nàng cúi xuống nhặt một cánh phượng trao cho tôi, nói: “Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau!
Ba năm sau (1955), Lê Văn Thiện phải bỏ học giữa chừng để chen chân vào cuộc mưu sinh. Anh quyết định lên Sài Gòn, trước là tìm kiếm việc làm, sau nữa nhen nhóm cơ hội tìm lại “người xưa”. Phiêu dạt giữa chốn phồn hoa đô hội, với không ít bầm dập, tủi hờn nhưng rồi nhờ tính tình hiền lành, siêng năng, anh thanh niên tên Thiện cũng may mắn lọt vô cánh cổng của một nhà trọc phú, dù chỉ làm gia nhân với mức lương khá hậu hĩnh so với thời giá lúc đó: 150 đồng/tháng. Mê nhạc, lại được lòng ông chủ cho nên anh được phép tranh thủ những giờ rảnh để theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương.
Dạo ấy, mỗi năm Đài phát thanh Sài Gòn đều có tổ chức cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ”, điều đó đã nhen nhóm vào lòng chàng trai “ở đợ” một khát vọng đổi đời. Năm 1959, Lê Văn Thiện “liều mạng” đăng ký dự thi tuyển lựa ca sĩ với nghệ danh Thanh Sơn qua bài hát “Chiều tàn” của Lam Phương. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ từng thành viên giám khảo, đó là những nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Nghiêm Phú Phi. Ngồi ghế chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh. Cái sự “liều mạng” đã được sao hộ mệnh chiếu mạng: thí sinh Thanh Sơn đoạt giải nhất! Phần thưởng là chiếc máy radio và cây đàn guitar. So với phần thưởng của các giải âm nhạc bây giờ thì quá “hẻo”, nhưng chừng đó cũng đủ đưa Thanh Sơn lên tận… núi xanh! Quan trọng hơn, giải thưởng này chính là đòn bẩy đưa anh vào thế giới ca nhạc. Anh từ giã “nghề” gia nhân để đến với “Ông hoàng Tango” (tức nhạc sĩ Hoàng Trọng). Chính xác là giờ đây ca sĩ Thanh Sơn đã được ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng mời về cộng tác. Không chỉ có thế, giọng hát của anh còn được nhiều nơi chào mời (bây giờ gọi là “chạy sô”)…
Thời gian này Thanh Sơn bắt đầu tập tành sáng tác. Ca khúc đầu tay của anh là bài Tình học sinh (1962), nhưng bài hát này chẳng tạo được chút dư âm. Thế rồi một buổi trưa đi ngang qua một ngôi trường đang mùa phượng nở, những kỷ niệm của thuở học trò có thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Thị Hoa Phượng ùa về… và ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời năm 1963. Nhạc sĩ tâm sự: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy… Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác. Có thể nói đó là “thời hoàng kim” của tôi, bởi tiền tác quyền lúc đó tôi nhận khoảng 6.000 đồng mỗi tháng. Nó không chỉ giúp gia đình tôi vượt qua nghèo khó mà sau đó tôi còn mua được nhà, xe, cưới vợ… Nói một cách nào đó, “hoa phượng” là ân nhân của gia đình tôi”.
Khi Nỗi buồn hoa phượng được tiếng hát cao vút của nữ ca sĩ Thanh Tuyền tải lên sóng phát thanh, ngay lập tức nó tạo được hiệu ứng, đi đâu cũng nghe người ta hát… Từ đó, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyên tâm sáng tác. Từ thành công của Nỗi buồn hoa phượng, có “đà” ông sáng tác một loạt ca khúc cũng lấy đề tài từ mảng tình cảm học trò: Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Thương ca mùa hạ, …
Sáng nay, 09/04/2012, trong giai điệu quen thuộc của những ‘Nỗi buồn hoa phượng’ hay ‘Nhật ký đời tôi’, cùng với gia quyến, người thân, người yêu nhạc, DongNhacXua.comđã kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa nhạc sỹ Thanh Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa ở trang Bình Dương.
Vẫn biết đời người không ai thoát ra khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” – “đời ai không một lần” như chính lời của bản “Nhật ký đời tôi” bất hủ. Thế nhưng sự ra đi của nhạc sỹ Thanh Sơn đã để lại nhiều luyến tiếc cho công chúng yêu dòng nhạc trữ tình mà ông là một đại diện xuất sắc. Chúng tôi mong linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!