Dưới đây là bài review bộ phim kinh điển Pháp “Les Quatre Cents Coups” (Vị thành niên) được các bạn khán giả gửi về.
“Les Quatre Cents Coups” (Vị thành niên) là một bộ phim của đạo diễn người Pháp François Truffaut kể về Antoine Doinel, một cậu bé người Paris, bị cha mẹ bỏ rơi. Cậu thường xuyên trốn học để lẻn vào rạp chiếu phim vì cậu có một niềm đam mê đối với điện ảnh. Trong một lần cố gắng trả lại chiếc máy đánh chữ mà cậu đã ăn cắp trước đó nhưng không bán được, Antoine đã bị đưa đến đồn cảnh sát và ngủ lại một đêm ở đó cùng với những cô gái điếm. Sau đó, Antoine được chuyển đến trại giáo dưỡng ở gần biển theo đúng với nguyện vọng của mẹ cậu. Trong một lần chơi bóng đá cùng các bạn, Antoine đã nhân cơ hội để bỏ trốn và chạy ra bờ biển.
Vì sao “Les Quatre Cents Coups” xứng đáng là một bộ phim kinh điển?
Về mặt nội dung của phim, “Les Quatre Cents Coups” đã để lại những kỉ niệm khó phai trong lòng khán giả sau gần 64 năm ra mắt kể từ lần công chiếu đầu tiên vào năm 1959. Một nét đẹp của điện ảnh có thể bắt gặp trong phim là nhân vật nam chính (Antoine Doinel) mặc dù bây giờ đã lớn tuổi nhưng những hình ảnh về một cậu bé với tất cả sự ngây thơ và nổi loạn của tuổi trẻ vẫn được lưu giữ trong những thước phim. Đó là một vẻ đẹp được lưu giữ qua thời gian và cho dù chúng ta sau này có già đi thì tất cả những nhân vật trong phim vẫn cứ trẻ như vậy. Thứ hai, “Les Quatre Cents Coups” đã phản ánh một giai đoạn của xã hội nước Pháp. Trong phần mở đầu, bộ phim đã đặt ra một câu hỏi lớn về vận mệnh của nước Pháp trong 10 năm tới. Khán giả sẽ tìm được câu trả lời sau khi xem xong bộ phim. Những điều phi lý đã được đặt ra trong phim như việc Antoine bị kết tội khi cậu cố gắng trả lại chiếc máy đánh chữ hay những hình phạt hà khắc dành cho cậu trong trại giáo dưỡng.
Về mặt hình thức, những kỹ thuật được sử dụng trong phim không bị lỗi thời. Trong trường đoạn chạy trốn khỏi trại giáo dưỡng của Antoine ở cuối phim, đạo diễn François Truffaut đã sử dụng công nghệ quay One-shot (một kỹ thuật quay khó thực hiện tại thời điểm ấy) để giúp khán giả có cảm giác như họ đang đi theo cuộc hành trình của nhân vật. Ở cảnh cuối phim, mọi thứ dừng lại và máy quay zoom in vào gương mặt của nhân vật chính khiến cho khán giả được đối diện với Antoine. Cậu bé nhìn thẳng vào chúng ta như đang muốn gửi gắm một thông điệp về cuộc hành trình đến đây là kết thúc và dòng chữ “fin” hiện lên. Điều đó đồng nghĩa với việc chúng ta chỉ có thể đồng hành cùng cậu bé trong 99 phút phim trong một quãng đời của cậu thôi và sau này chúng ta không thể nào biết thêm được nữa.
Tạ Anh Huy