Hotline:
0866.909.3690271.3870020
Trường tiểu học Tân Đồng, Đồng Xoài Cảnh trang nghiêm của buổi chào cờ ở Trường thpt chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) - Ảnh: S.H
Mải hỏi thăm bệnh tình của những người cùng đi khám bệnh nên khi nghe “Chào cờ - chào”, bất giác tôi và mọi người cùng nhìn ra sân. Thấy hai nhân viên y tế đang kéo cờ, mọi người đứng nghiêm trang nghe loa phát bài Quốc ca. Nhưng tuyệt nhiên không thấy ai hát, thậm chí mấp máy môi. Tôi đứng dậy, nghiêm trang hướng về Quốc kỳ trong khi một số bệnh nhân vẫn đi lại nói cười bình thản.
Đã lâu tôi không được dự lễ chào cờ nên khi thấy Quốc kỳ được kéo lên theo nhạc Quốc ca, tôi rất xúc động nhưng cũng có một cảm giác nuối tiếc, hụt hẫng. Tự hỏi, nếu như đại diện cơ quan mời nhân dân - những bệnh nhân có thể đi được cùng tham gia chào cờ thì hay biết mấy. Đằng này, hình như những người thực hiện nghi thức chào cờ đầu tuần ở đơn vị này chỉ chú trọng đến đội ngũ cán bộ, nhân viên mà không quan tâm đến nhân dân, những người đến đây khám bệnh.
Ngày còn đi học tôi đã tham gia chào cờ không biết bao nhiêu lần. Mà lần nào cũng trang nghiêm và rưng rưng một niềm tự hào. Ngày ấy chưa có những thiết bị hiện đại như loa, đĩa... nên tất nhiên chúng tôi hát Quốc ca rất hùng hồn. Tôi nhớ rất rõ, hai đội viên hoặc đoàn viên gương mẫu được giao nhiệm vụ kéo cờ. Hai người này rất trang nghiêm, mắt dõi theo lá cờ Tổ quốc, trịnh trọng kéo cờ lên theo lời ca trầm hùng của thầy cô và học sinh. Khi nghe: “Để tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu, vị cha già dân tộc, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - Một phút mặc niệm bắt đầu”, ai cũng cúi đầu tưởng nhớ. Ngày nay có loa, có nhạc nền nên trong lúc chào cờ mọi người chỉ đứng nghiêm.
Có một kỷ niệm mà suốt đời tôi không thể quên và thỉnh thoảng kể lại cho các con nghe. Đó là vào một buổi chào cờ đầu tuần, khi ấy tôi học lớp 6. Trường xã tôi rất rộng, cũ kỹ nằm lọt thỏm giữa khu dân cư. Trường có tường rào bao quanh nhưng hai cổng phía đông và tây luôn mở, người dân quanh đó cứ đi tắt ngang qua trường ra chợ cho gần. Ngày ấy người dân chủ yếu đi bộ nên không ảnh hưởng gì đến việc dạy và học. Hôm đó, chúng tôi xếp hàng chào cờ như thường lệ. Khi thầy Tổng phụ trách Đội hô to: “Chào cờ - chào”, chúng tôi nghiêm trang hướng về Quốc kỳ đỏ thắm thì thấy một dì quẩy gánh rau ra chợ bán đi qua. Dì nhẹ nhàng đặt gánh rau và nón lá xuống rồi đứng nghiêm. Chào cờ xong, dì lại quẩy gánh đi tiếp. Hình ảnh đó đẹp vô cùng, thể hiện ý thức và tinh thần yêu nước, quý trọng độc lập, tự do; thể hiện niềm tự hào và trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc. Sau buổi chào cờ ấy, thầy Tổng phụ trách Đội còn nhắc lại hình ảnh “dì gánh rau” nhiều lần để giáo dục, nhắc nhở những học sinh còn chưa nghiêm túc khi chào cờ.
Hôm vừa rồi đi dự lễ tổng kết năm học của con trai, tôi thấy các cháu thực hiện nghi lễ này rất tốt, tất cả đồng thanh hát Quốc ca, Đội ca; trang phục chỉnh tề, thái độ nghiêm túc, có cả kèn và trống rất trang trọng. Nhưng tôi lại thoáng buồn khi nhìn thấy có mấy phụ huynh nói chuyện, cười đùa ngay bên cạnh. Hình như họ coi việc chào cờ là của thầy trò trong trường... chứ không phải của mình! Hình ảnh các cầu thủ bóng đá nghiêm trang thực hiện nghi lễ chào cờ trước khi vào trận đấu và cổ động viên, khán giả trên khán đài đứng nghiêm trang hát Quốc ca, thể hiện thái độ nghiêm cẩn, trang trọng trên tivi cũng thật đẹp vô cùng...
Ngày nay, tôi thấy những cán bộ, công chức thực hiện nghi lễ thiêng liêng này rất ý thức, rất trang trọng, nhưng người dân khi đến các cơ quan, trường học gặp lúc đang chào cờ, họ vẫn vô tư cười nói, đi lại lung tung. Như dịp khai giảng năm học, những phụ huynh đưa con đến rồi nán lại, ban tổ chức mời lên ghế ngồi họ cũng không lên, cứ tụm năm tụm ba cuối hàng của học sinh nói chuyện, đầu vẫn đội mũ mặc cho người dẫn chương trình đã nhắc nhở nhiều.
Cũng biết mỗi người một trình độ, ngành nghề khác nhau, nên chăng có quy định, nhắc nhở thường xuyên để mọi người dân hiểu và thực hiện đúng nghi lễ chào cờ, đảm bảo tính nghiêm túc, trang trọng, thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình cảm và trách nhiệm với Tổ quốc; góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân và nhất là thế hệ trẻ.
Diệp Uy