Menu

Cung điện Hoàng Gia Nhật Bản: Nên đi khi nào? Cách đi?

Trong chuyến đi tới Tokyo (Nhật Bản), có một chỗ mình rất thích trong lịch trình, đó là ghé qua cung điện Hoàng Gia Nhật Bản. Đây vốn là chỗ ở và làm việc của Thiên hoàng nước Nhật và hoàng gia từ khi dời về Tokyo.  

(Nhật Bản chưa bao giờ chính thức công nhận Tokyo là thủ đô vì một số lý do riêng. Tuy vậy Tokyo cũng được hiểu ngầm là thủ đô của Nhật vì theo thông lệ, chỗ nào mà Thiên Hoàng ở thì chỗ đó nghiễm nhiên được xem là kinh đô/ thủ đô). 

Đôi nét về Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản

Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản còn gọi là Hoàng Cung Tokyo. Đây là một khu phức hợp cung điện hoành tránh mà trước đây là nơi tọa lạc của lâu đài Edo (Edo Castle)/ Thành Edo trước kia. Thành Edo cũng có tên gọi khác là thành Chiyoda, được xây dựng năm 1457 bởi Ota Dōkan. Sau sự kiện Mạc Phủ đầu hàng và cuộc Duy Tân Minh Trị, thành đã được phá bỏ để xây Hoàng Cung Tokyo.
Hiện tại, Hoàng Cung được bao bọc xung quanh bởi hệ thống hào nước sâu và tường thành chắc chắn (một kiểu kiến trúc phòng thủ thường thấy ở các pháo đài, lâu đài xưa kia). Khu vực này nằm cách biệt với thế giới ồn ào hiện đại của Tokyo, do đó rất yên tĩnh.
Trong Hoàng Cung còn có khu vực ngắm hoa Anh Đào và nhiều công trình như: vườn Đông – East Gardens nằm trong vòng tròn trong cùng của Lâu đài Edo: Honmaru và Ninomaru; Kokyo Gaien National Garden; Công viên Kitanomaru (một khu vườn dược liệu).

Cầu Nijubashi

Đây là một cây cầu độc đáo thuộc một phần của Kokyo Gaien National Garden; chiếc cầu đi qua hào nước, nối cung điện với thế giới bên ngoài. Cầu có thiết kế rất thú vị. Du khách khi đến đây, nếu khéo léo chụp đúng góc độ sẽ nhìn được/ chụp được cảnh “cặp mắt kính” do hình dáng của cây cầu soi bóng xuống mặt nước tạo thành.

Lưu ý khi tham quan Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản

Hiện tại khi tham quan Cung Điện, du khách chỉ được chiêm ngưỡng khu phức hợp từ phía bên ngoài, chứ không được vào trong. Nếu vào trong thì cần mua tour. Tour từ thứ 3 đến thứ 7, khởi hành 2 khung giờ là 10:00 am và 1:30 pm, HDV nói tiếng Anh hoặc tiếng Nhật. (Tour này diễn ra trong 75 phút nhưng chỉ tham quan khuôn viên bên trong Hoàng Cung chứ không được vô các tòa nhà trong đó).
Các thời điểm khác được vào tham quan Cung Điện ở bên trong:

Để tham quan bên trong Hoàng Cung Tokyo thì bạn nên đi ngày 2/ 1 (ngày lễ năm mới) và ngày 23/2 (Sinh nhật của Hoàng đế). Lúc này du khách có thể vào trong và được nhìn thấy người trong Hoàng Gia xuất hiện từ trên Ban Công.
Ngoài ra, thời điểm từ ngày 1 – 9/12 (hằng năm), từ 9:00 am – 3:00 pm, du khách có dịp vào bên trong để ngắm lá vàng lá đỏ mùa thu. Để vào trong thì bạn có thể đi bộ qua khuôn viên cung điện từ Cổng Sakashitamon đến Cổng Inuimon.

Cách đi Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản

Trường hợp bạn chỉ đến tham quan bên ngoài cho biết thì có thể tự đi bất cứ khi nào. Bạn có thể đi dạo trong khuôn viên bên ngoài thành hào. Tại đây du khách sẽ nhìn thấy rất nhiều cây cối được chăm tỉa đẹp mắt kiểu bonsai.

Cung Điện cách ga Tokyo chỉ 10 phút đi bộ.

  • Nếu đi thẳng từ ga Tokyo, chỉ cần đi bộ từ Lối ra trung tâm Marunouchi (không phải Yaesu), đi thẳng vào Gyoko-dori và đến Cổng Wadakura-mon là được.
  • Nếu đăng ký tour tham quan cung điện, bạn  đi bộ tới cổng Kikyomon (đi tàu điện đến Ga Nijubashimae rồi đi bộ qua). Hoặc đi tàu điện đến Ga Otemachi rồi đi bộ vào Cổng Otemon.

Trường hợp khác, du khách nếu là người lớn tuổi hoặc không có kinh nghiệm đi du lịch tự túc, chưa có kinh nghiệm đi Nhật… thì có thể thăm cung điện này bằng cách đi du lịch trọn gói theo tour. Với cách này thì có xe ô tô đưa đón tận nơi, du khách sẽ không phải lo lắng về vấn đề đi lại. Gợi ý cho bạn một tour du lịch có dừng chân tại đây nè nha: https://dinhatban.net/tour/tour-nhat-ban-4n4d-tokyo-narita-nui-phu-si.html.

Trên đây là thông tin, kinh nghiệm đi Cung Điện Hoàng Gia Nhật Bản ở Tokyo. Hi vọng những thông tin này sẽ hữu ích cho các bạn trong chuyến đi sắp tới nhé. Chúc các bạn ăn Tết vui vẻ 😀

Các bài viết liên quan:

No Comments

    Leave a Reply

    0