4 vùng chịu ảnh hưởng nặng
Hội nghị tổng kết, đánh giá, đề xuất xây dựng Chương trình hành động quốc gia chống sa mạc hóa vừa diễn ra vào sáng 20/12.
Báo cáo kết quả chống sa mạc hóa giai đoạn 2006-2020, TS Nguyễn Thùy Mỹ Linh, Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) - đơn vị tư vấn cho Chương trình hành động quốc gia - cho biết, nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy Lợi, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, Luật Trồng trọt, Luật Khí tượng thủy văn... đều "luật hóa" nội dung này.
Cục Lâm nghiệp, đơn vị chủ trì Ban Điều phối thực hiện Công ước Sa mạc hóa, thường xuyên tổ chức các chương trình hưởng ứng ngày Quốc tế chống sa mạc hóa và hạn hán (17/6), ngày Môi trường thế giới (5/6), ngày Quốc tế về rừng (21/3), ngày Nước thế giới (22/3)... kêu gọi sự tham gia của các cấp, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Về kết quả điều tra độ xói mòn các khu vực, bà Linh thông tin, cả nước có 3 vùng sinh thái được cho là nguy cơ cao về thoái hóa đất là: Tây Bắc bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Trong đó, nguyên nhân suy thoái đất chính ở Tây Bắc là do xói mòn, xói lở; núi cao, chia cắt địa hình mạnh, độ dốc và chiều dài sườn dốc lớn cùng độ che phủ của lớp thực bì giảm do chất lượng rừng suy giảm.
"Thực tế rừng vùng Tây Bắc không tăng lên trong thời gian điều tra", bà Linh chia sẻ. Phần diện tích tăng lên là do dịch chuyển trạng thái từ đất có cỏ, cây bụi và cây rải rác sang trạng thái có rừng. Ngoài ra, diện tích đất ngập nước tăng là do diện tích lòng hồ của thủy điện Lai Châu.
Vùng Duyên hải Nam Trung bộ chịu ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam về suy thoái đất do khô hạn và bán khô hạn. Bình Thuận và Ninh Thuận là 2 tỉnh trong vùng có thời tiết khô nóng kéo dài trong năm, cũng là điểm nóng suy thoái đất vì chịu ảnh hưởng lớn nhất sa mạc hóa.
Tây Nguyên có độ che phủ đất suy giảm mạnh, cũng như thường diễn ra các hoạt động khai thác rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng. Trong 6 năm, từ 2010 đến 2016, khoảng hơn 200.000ha đất rừng đã chuyển sang đất nông nghiệp.
Ngoài 3 vùng nguy cơ cao kể trên, Đông Nam bộ cũng là vùng được đơn vị tư vấn cân nhắc. Diện tích rừng đã giảm hơn 130.000ha trong thời gian điều tra. Phần lớn diện tích rừng giảm là do chuyển đổi sang trồng cao su và cây công nghiệp.
Chia sẻ thêm về nguyên nhân gây sa mạc hóa, TS Mỹ Linh bổ sung Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là vùng Tứ giác Long Xuyên vào vùng nguy cơ. Cụ thể, đây là vùng địa hình thấp, diện tích đất ngập mặn, phèn và chua khá lớn. Dù nhiều diện tích đất phèn đã được khai phá, sử dụng hiệu quả những năm gần đây, nhiều diện tích rừng ngập mặn đã bị phá làm đầm nuôi tôm, gây nên tình trạng hoang hóa. Chưa kể, nguy cơ nước biển dâng tiềm ẩn.
Tổng kết lại, Viện Nghiên cứu Sinh thái và Môi trường rừng nhấn mạnh, trong giai đoạn 2006-2020, diện tích đất thoái hóa ở Trung du và Miền núi phía Bắc khoảng 4,4 triệu ha; Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung khoảng 3,5 triệu ha; Tây Nguyên 1,8 triệu ha. Ngoài ra, vùng Tứ giác Long Xuyên cũng có gần 0,5 triệu ha đất thoái hóa.
Giải pháp về thủy lợi, giống cây trồng
Nhiều giải pháp về khí tượng thủy văn, thủy lợi đã được đưa ra để chống sa mạc hóa. Ví dụ, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm tăng đáng kể qua các năm, từ 115.000ha (2015) lên 150.000ha (2016), 270.000ha (2017) và 530.000ha (2020).
Các vùng phát triển tưới tiết kiệm nước mạnh mẽ chính là những vùng có nguy cơ cao về xói mòn, sa mạc hóa, gồm: Đông Nam bộ (trên 180.000ha), Tây Nguyên (trên 140.000ha), ĐBSCL (trên 110.000ha), Nam Trung bộ (trên 40.000ha). Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm đạt từ 700.000 - 800.000ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích cây trồng cạn.
Các giống có tính chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, sa mạc hóa được khuyến cáo sử dụng rộng rãi.
Từ điểm cầu Ninh Thuận, ông Trần Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thừa nhận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái đất, sa mạc hóa, trong đó có "đóng góp" của hoạt động con người như phá rừng làm nương rẫy, canh tác lạc hậu trên đất dốc, đô thị hóa nhanh...
Đại diện tỉnh Ninh Thuận đề xuất 8 nhóm giải pháp phòng, chống, khắc phục thoái hóa đất. Trong đó, có việc kiểm soát chặt chẽ thay đổi sử dụng đất vùng ven biển, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ ven biển; kiểm tra, giám sát hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ nguồn sinh thủy, nhất là khu vực miền núi; đầu tư các công trình thủy lợi, đê điều phục vụ tưới tiêu theo hướng tiết kiệm, nâng cao hiệu quả sử dụng nước.
"Ninh Thuận còn quỹ đất để trồng rừng. Nếu các địa phương khác cần trồng rừng thay thế nhưng chưa bố trí được quỹ đất, tỉnh sẵn sàng tiếp nhận", ông Hiếu bày tỏ.
Đồng tình quan điểm này, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Sơn La cho biết thêm, sẽ đẩy mạnh việc thực hiện và nhân rộng các mô hình nông lâm kết hợp trên địa bàn, góp phần tạo thêm thu nhập, sinh kế ổn định, nâng cao mức sống người dân, gắn kết quyền lợi và trách nhiệm của người dân với các hoạt động lâm nghiệp như trồng rừng, trồng cây phân tán, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng, nhận khoán bảo vệ rừng, hạn chế đốt rừng làm nương rẫy, gây xói mòn, thoái hóa đất.
"Sơn La sẽ nghiên cứu phát triển nhiều diện tích cây lâm nghiệp đa mục đích, vừa đảm bảo diện tích che phủ rừng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân", vị này chia sẻ.
Tăng cường tính chủ động trong phòng, ngừa
Tổng kết các ý kiến, PGS.TS Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, mục tiêu đến năm 2030, chương trình hành động quốc gia sẽ khoanh vùng và định vị các khu vực đất bị sa mạc hoá theo các vùng kinh tế - xã hội, theo các nguyên nhân.
Giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, bảo đảm tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42-43%, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, năng suất và hiệu quả rừng trồng và các hệ thống nông lâm kết hợp để giảm thiểu lượng bốc thoát hơi tiềm năng vào mùa khô.
Định hướng đến năm 2050, tổng diện tích đất bị thoái hoá không vượt quá 30% tổng diện tích đất tự nhiên toàn quốc. Thông qua phục hồi một phần diện tích đất bị thoái hoá nhẹ và trung bình, các bên sẽ cùng ngăn ngừa sự gia tăng đất thoái hóa.
Vừa qua, ông Trần Quang Bảo đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị các Bên tham gia Công ước Chống sa mạc hóa của Liên hợp quốc lần thứ 16 (COP 16) với chủ đề “Đất của chúng ta, Tương lai của chúng ta” tại Ảrập Xêút.
Tại hội nghị này, các chuyên gia đã đưa ra nhu cầu tối thiểu là 2.600 tỷ USD đầu tư đến năm 2030 để khôi phục hơn 1 tỷ ha đất bị thoái hóa toàn cầu và biện pháp khắc phục hạn hán. Con số này ước tính tương đương 1 tỷ USD đầu tư hàng ngày từ nay đến năm 2030 để có thể đạt được các mục tiêu phục hồi đất đai toàn cầu.
"Dù chưa phải xếp vào quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng về suy thoái đất và khô hạn, tuy nhiên, Việt Nam đã sớm nhận diện nguy cơ và có những biện pháp thích ứng chủ động", ông Bảo nói và cam kết tổng hợp đầy đủ các ý kiến để sớm trình Thủ tướng phê duyệt “Chương trình hành động Quốc gia Chống sa mạc hóa giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo điều tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2019, tổng diện tích đất bị thoái hóa cả nước là khoảng 11,8 triệu ha (chiếm 35,7% tổng diện tích tự nhiên cả nước). Trong đó, đất bị suy thoái nặng là 1,2 triệu ha, suy thoái trung bình là 3,8, suy thoái nhẹ là 6,8 triệu ha.
Khoảng 43% diện tích đất bị thoái hóa là đất sản xuất nông nghiệp và 42% diện tích bị thoái hóa là đất lâm nghiệp.