Bước tới nội dung

Lương Thế Vinh

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Lương Thế Vinh
Bức chân dung học giả và nhà toán học Lương Thế Vinh
Sinh(1441-08-17)17 tháng 8 năm 1441
Vụ Bản, Nam Định, Đại Việt
Mất2 tháng 10 năm 1496(1496-10-02) (55 tuổi)
Vụ Bản, Nam Định, Đại Việt
Dân tộcKinh
Học vịTrạng nguyên
Trường lớpVăn Miếu – Quốc Tử Giám
Nghề nghiệp
  • Học giả
  • nhà toán học
Tác phẩm nổi bật
Con cáiLương Trinh Túc

Lương Thế Vinh (chữ Hán: 梁世榮; 17 tháng 8 năm 1441 – 2 tháng 10 năm 1496, tên hiệu là Thụy Hiên) là một nhà toán học, nhà thơ và học giả người Việt Nam. Sinh ra tại huyện Thiên Bản (nay là huyện Vụ Bản), tỉnh Nam Định, ông đỗ trạng nguyên và làm Sái phu trong Hội Tao Đàn dưới thời vua Lê Thánh Tông. Ông nổi tiếng là thần đồng, học rộng, tài trí khoáng đạt, được vua và dân coi trọng và được mệnh danh là "Trạng Lường". Hai tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp của ông là Đại thành Toán pháp (biên soạn về toán học) và Hý phường phả lục (khảo cứu về hát chèo).[1]

Cuộc đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Xuất thân và những năm đầu đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Lương Thế Vinh sinh ngày 1 tháng 8 năm Tân Dậu (tức ngày 17 tháng 8 năm 1441) tại làng Cao Hương, huyện Thiên Bản, Trấn Sơn Nam (nay là thôn Cao Phương, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định); cái tên tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên.[2] Lúc còn nhỏ, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là thần đồng thông minh, nhanh trí. Ông học mau thuộc, mau hiểu mà chơi cũng rất tài tình (thích thả diều, câu cá, bẫy chim cùng các bạn trẻ chăn trâu). Lớn lên, ông học ngày càng giỏi và có phương pháp, vừa học vừa lao động, vui chơi giải trí. Ông học sâu hiểu rộng, nhưng có thời gian thì vẫn thả diều thổi sáo, xem chèo thoải mái. Lúc vui chơi, ông còn nảy ra ý tưởng đo lường các đồ vật xung quanh mình, như chiều dài-chiều cao cây diều, chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi, đo bóng cây và chiều dài của cây.[2]

Đỗ Trạng nguyên và sự nghiệp chính trị

[sửa | sửa mã nguồn]

Năm 1463, tức năm 23 tuổi, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận thứ 4, đời Lê Thánh Tông; trong khi Nguyễn Đức TrinhQuách Đình Bảo lần lượt đỗ Thám hoa và Bảng nhãn.[3][4][5] Ông có tổng cộng 32 năm làm quan, từng được thăng đến chức Hàn lâm Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự (đứng đầu Viện hàn lâm). Ngoài ra, Lương Thế Vinh còn được vua tín nhiệm giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài. Nhiều bài biểu do ông soạn gửi cho nhà Minh được vua Minh chấp thuận và khen ngợi.[4]

Bên cạnh công việc làm quan, Lương Thế Vinh cũng đi dạy học tại ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục (những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước). Một số học trò của ông đỗ đạt cao như Nguyễn Tất Đại (người Thái Bình, đỗ Tiến sĩ năm 1949), Trần Bích Hoành (người Nam Định, đỗ Thám hoa năm 1847), Trần Xuân Vinh (người Nam Định, đỗ Tiến sĩ) và Lương Đắc Bằng (người Thanh Hóa, đỗ Bảng nhãn năm 1499). Cá nhân Lương Đắc Bằng về sau trở thành thầy dạy học của Nguyễn Bỉnh Khiêm.[6]

Sự nghiệp văn chương và biên soạn

[sửa | sửa mã nguồn]

Không chỉ dạy toán ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung khoa công (chức quan chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện, đền đài, thành quách, đường sá, đê điều...) Vì chuyên môn cần đến toán học, ông đã tiến hành biên soạn hai cuốn sách đề tài toán họcĐại thành Toán pháp (cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên của Việt Nam) và Khải minh Toán học.[7][8][9] Thời bấy giờ, công cụ tính toán ở Đại Việt còn thô sơ, nghèo nàn (chủ yếu là bấm đốt ngón tay hoặc dùng sợi dây có nút thắt để đếm). Do đó Lương Thế Vinh đã chế ra bàn tính gẩy - chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính. Về sau ông cải tiến dần những "viên tính" bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi cho những viên tính bằng gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.[9]

Ngoài ra, Lương Thế Vinh còn là người am hiểu sâu sắc về hát chèo. Ông cùng Thân Nhân TrungĐỗ Nhuận đã soạn hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Nhờ nghiên cứu hàng trăm vở chèo, ông đã biên soạn ra cuốn Hý phường phả lục[a] ghi lại các khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo, phương pháp múa và hát. Năm 1501 (tức 5 năm sau khi ông mất), bạn ông là Quách Hữu Nghiêm đã đề tựa và đưa in tác phẩm này.[9]

Lương Thế Vinh giữ chức Sái phu (chức danh chuyên phê bình, sửa chữa thơ) trong hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.[11] Trong hội, ông từng nhiều lần ngâm họa với vua Lê như bài "Tướng sĩ nhớ nhà" và "Động Lục Vân". Ông cùng Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận và Đào Cử còn biên soạn nhiều bài ký, văn bia ở Văn MiếuChùa Một Cột.[12]

Ông được cho là tác giả của Thập giới Cô hồn Quốc Ngữ văn (hay Phật kinh Thập giới).[b] Đây là áng văn Nôm cổ gồm một đoạn mở đầu và 10 đoạn nói về 10 giới cô hồn: Thiền tăng, đạo sĩ, quan liêu, nho sĩ, thiên văn-địa lý, lương y, tướng quân, hoa nương, thương cổ và đãng tử.[15] Vì sáng tác Phật kinh Thập giới, Lương Thế Vinh bị các bạn đồng nghiệp (nhà nho) cười chê[13] và ông không được lập đền thờ trong văn miếu Khổng Tử.[16][17][18]

Những năm cuối đời

[sửa | sửa mã nguồn]

Vào những năm cuối đời, Lương Thế Vinh về hưu và quay lại quê nhà, nhằm có thời gian rảnh rỗi sống yên tĩnh ở quê hương và làm những việc có ích trước khi mất. Hàng ngày, ông leo núi, thả diều, đọc sách, vui chơi với các bô lão ở nông thôn. Ông thậm chí còn đi sâu nghiên cứu về đạo Phật, viết chú giải nhiều kinh Phật và đề tựa cho in nhiều tác phẩm Phật học như Nam tông tự pháp đồThiền môn giáo khoa[c] của nhà sư Thường Chiếu thời Lý.[19] Lương Thế Vinh mất ngày 26 tháng 8 năm Bính Thìn (tức ngày 2 tháng 10 năm 1496) tại quê nhà, thọ 55 tuổi.[19] Sau khi mất, Lương Thế Vinh được thờ làm phúc thần. Tên ông được khắc ghi trên thơ văn, kí, bia, giáo khoa nhà chùa, văn từ giao bang... do các tác phẩm mà ông viết nặng về tính quan phương, tôn giáo.[1] Dân làng tại xã Liên Bảo, huyện Vụ Bản (quê hương ông) cũng xây dựng đền thờ nơi đây để ghi nhớ công ơn của Lương Thế Vinh.[20]

Đời tư

[sửa | sửa mã nguồn]

Lương Thế Vinh đã kết hôn với con gái của thầy dạy học. Trong cuốn Những mối tình nổi tiếng trong truyền thuyết và lịch sử Việt Nam (2009), tác giả Hà Phạm có ghi chép mối tình của Lương Thế Vinh với một cô đào mà ông gặp năm 20 tuổi tại một gánh chèo tổ chức ở quê ông. Sau khi cô mất, "Trạng Lường" vô cùng xót thương nên làm bài văn điếu, rồi cho lập miếu thờ cho cô tại giáp Nhất của làng Cao Hương, được dân làng gọi là miếu Ả Đào còn thôn có ngôi miếu thì gọi là Đào thôn hoặc xóm Đầu.[21] Ngoài ra, ông cũng có một mối tình ngắn ngủi với một cô gái tên Thi Liệu ở phố Hàng Đào, trong lúc ông lên kinh dự thi.[22] Ông có một người con trai tên là Lương Trinh Túc, từng giữ chức Hiến sát sứ ở Thanh Hóa.[23]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Đương thời

[sửa | sửa mã nguồn]

Học giả đương thời là Lê Quý Đôn khen Lương Thế Vinh là "người tài hoa danh vọng bậc nhất".[1] Trong bài văn điếu Lương Thế Vinh, vua Lê Thánh Tông đã viết: "Khuất ngón tay than tài cái thế/Lấy ai làm Trạng nước Nam ta".[24]

Thời hiện đại

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong cuốn Thần đồng xưa của nước ta, tác giả Quốc Chấn khen ngợi khả năng tính toán xuất chúng của Lương Thế Vinh: "Ngày nay, cách tính chiều cao của cây mà Lương Thế Vinh áp dụng chắc học sinh không lấy gì làm lạ. Nhưng cách đây gần 5 thế kỷ thì việc Lương Thế Vinh tính được tỷ lệ chiều cao của cây và chiếc gậy bằng tỷ lệ bóng của chúng trên mặt đất là một sáng tạo, thể hiện nước ta ở thế kỷ 15 đã có nhà toán học đầy tài năng".[25][26] Trong cuốn Những người thầy trong sử Việt, tác giả Nguyễn Huy Thắng ví Lương Thế Vinh là "người thầy khác mọi thầy", cho rằng quan điểm giáo dục của ông không giống những người bạn đồng tráng lứa. Ông chủ trương để học trò học tập chuyên tâm, song cũng khuyến khích kết hợp với giải trí thoải mái, gần gũi với người dân, hòa mình với thiên nhiên và phải tìm mọi cách vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống.[26] Trong cuốn sách thiếu nhi Trạng nguyên Việt Nam - đạo học của người xưa, nhóm tác giả Ban Mai cho rằng Lương Thế Vinh, Mạc Đĩnh ChiMạc Hiển Tích là những người đặt nền móng cho nền toán học Đại Việt: "Qua những phép tính với số 0, Trạng nguyên Lương Thế Vinh khẳng định thế gian có những vật toàn mãn thực sự... Nhiều Trạng nguyên đã phát triển và bổ sung những tư tưởng toán học này tạo nên một trường phái toán học Đại Việt."[27]

Năm 2011, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định tại Hội thảo khoa học "Trạng nguyên Lương Thế Vinh – Thân thế và sự nghiệp": hình ảnh trạng nguyên Lương Thế Vinh còn sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về cuộc đời, sự nghiệp, tài đức và lòng yêu nước, yêu dân của ông.[28] Trong cuốn Danh nhân Hà Nội (2004), tác giả kiêm nhà sử học Vũ Khiêu đã nhận định văn thơ của Lương Thế Vinh "nhìn chung thể hiện sâu sắc tư tưởng yêu nước, thương dân, căm ghét bọn quan lại tham nhũng, thích cuộc sống thanh cao, gần gũi với dân quê".[12] Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, học giả và nhà nghiên cứu Phật học Nguyễn Lang ghi nhận Lương Thế Vinh là tác giả Phật giáo duy nhất ở thế kỷ 15,[29] và ca ngợi ông là "nhà trí thức cự phách nhất của thời đại Lê Thánh Tông".[30]

Biệt danh "Trạng Lường"

[sửa | sửa mã nguồn]

Nhờ giỏi đo lường và tính toán, Lương Thế Vinh đã được mệnh danh là Trạng Lường.[26][31] Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, nguyên giám đốc Thư viện Viện sử học Việt Nam từng lý giải về biệt danh "Trạng Lường" của ông: "Người ta gọi Lương Thế Vinh là 'Trạng Lường' vì thứ nhất, ông giỏi tính toán và đo lường, thế nên chữ 'Lường' nghĩa là đo lường. Mặt khác, chữ "Lường" có nghĩa là họ Lương, thế nên khi nhắc đến 'Trạng Lường', ai cũng nghĩ tới Lương Thế Vinh, trạng nguyên của thời Lê Thánh Tông".[32]

Di sản và ảnh hưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh tại quê nhà Nam Định.

Ngày nay, nhiều đường phố và trường học khắp Việt Nam được đặt theo tên Lương Thế Vinh.[24] Qua nhiều triều đại phong kiến, đền thờ Lương Thế Vinh tại Vụ Bản, Nam Định (quê hương ông) được nhiều nhà khoa bảng đến thăm viếng, đề thơ ca ngợi, làm câu đối cúng, như Đỗ Quang Dần, Phạm Đạo Phú, Phạm Văn Nghị, Nguyễn Khuyến; người dân Nam Định gọi nơi đây là đền "cụ Trạng".[24] Năm 1990, đền thờ được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.[26][33]

Nhân kỷ niệm 570 năm ngày sinh Lương Thế Vinh, ngày 28 tháng 8 năm 2011, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Ban liên lạc họ Lương Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học "Trạng nguyên Lương Thế Vinh – Thân thế và sự nghiệp" tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội với sự tham gia của đông đảo thành viên họ Lương và giới sử học trên khắp Việt Nam.[28][34][35] Cuốn Đại thành Toán pháp do ông biên soạn là cuốn sách giáo khoa toán đầu tiên ở Việt Nam,[9] được sử dụng làm sách dạy toán cho người Việt đến tận thế kỷ 19.[36][37] Ngoài ra ông còn là người chế ra chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam.[24][34][37] Cuốn Lịch sử Việt Nam, tập 1 (1971) đã ghi nhận Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh xuất bản năm 1501 "có thể coi là tác phẩm lý luận đầu tiên về nghệ thuật kịch hát cổ truyền. Tác giả đã tổng kết kinh nghiệm và nêu lên những nguyên tắc có tính chất lý luận về nghệ thuật biểu diễn, diễn viên, múa hát và đánh trống."[9]

Tác phẩm

[sửa | sửa mã nguồn]
Toán học
Lịch sử hát chèo
Phật học
  • Thập giới Cô hồn Quốc Ngữ văn (hay Phật kinh Thập giới)
  • Thiền môn Khoa giáo
  1. ^ Sách Việt Nam Phật giáo sử luận ghi tên cuốn này là Hý phường phổ lục.[10]
  2. ^ Theo học giả Trần Văn Giáp, Phật kinh Thập giớ là do Lương Thế Vinh sáng tác, chứ không phải Lê Thánh Tông: "Theo lời của Vũ Phương Ðề… Lương Thế Vinh là một vị trong Tao Đàn đời Lê Thánh Tông, chỉ vì làm bài Phật Kinh Thập Giới mà đã bị các nhà nho là bạn đồng nghiệp chê cười mãi, đến khi đã lên Thiên cung, đang giảng dạy học trò mà vẫn còn áy náy mãi. Huống chi là Lê Thánh Tông tự gọi là Tao Đàn Nguyên Soái, khi nào lại có thể cho phép đưa một bài văn Nôm vào trong bộ sách lớn của triều đình. Sách này lại là sách ghi chép lại toàn điển lệ, cáo sắc..."[13] Tuy nhiên, học giả Nguyễn Lang thì lại cho rằng đây là tác phẩm của Lê Thánh Tông: "Chưa có lý do gì để ta nói rằng bài này không phải là của Lê Thánh Tông. Bài văn tuy lấy cảm hứng ở đoạn văn thỉnh thập loại cô hồn trong Du già khoa nghi, nhưng không phải là bài văn do một người có cảm tình nhiều với đạo Phật như Lương Thế Vinh làm. Đó cũng không phải là một bài văn có thể thực sự dùng vào việc cúng cô hồn hay răn dạy cô hồn. Nó có ảnh hưởng cảnh cáo người sống hơn là răn dạy người chết. Đó là tác phẩm của một thi sĩ Nho gia mượn đề tài Phật giáo… Trong khi chưa có dữ liệu nào khác, ta hãy tạm cho tác phẩm này là của Lê Thánh Tông, bởi khí vị văn chương phảng phất có hương vị một tác phẩm của tao đàn nguyên súy…"[14]
  3. ^ Trong Việt Nam Phật giáo sử lược, Nguyễn Lang thì ghi Thiền môn Khoa giáo do chính Lương Thế Vinh sáng tác.[10]

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b c Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2005). Từ điển bách khoa Việt Nam. 2. Việt Nam: Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa. tr. 792.
  2. ^ a b Vũ Khiêu 2004, tr. 336.
  3. ^ “Bia số 3: Văn bia đề danh Tiến sĩ Khoa Quý Mùi Niên hiệu Quang Thuận thứ 4 (1463)”. Viện nghiên cứu Hán Nôm. 25 tháng 1 năm 2009. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  4. ^ a b Vũ Khiêu 2004, tr. 337.
  5. ^ Phan Huy Chú 1992, tr. 38.
  6. ^ Khiêu 2004, tr. 337.
  7. ^ Từ Khôi (1 tháng 6 năm 2017). “Trạng Lường: Trí tuệ tỏa bóng mấy trăm năm”. Đại Đoàn Kết. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2021. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  8. ^ Vũ Kim Thủy; Trần Trọng Hảo (27 tháng 3 năm 2011). “Người Việt xưa học toán, thi toán”. Hà Nội Mới. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  9. ^ a b c d e Vũ Khiêu 2004, tr. 338.
  10. ^ a b Nguyễn Lang 2000, tr. 365.
  11. ^ Lâm Giang (1993). Hội Tao Đàn. Việt Nam: Nhà xuất bản Khoa học xã hội. tr. 19.
  12. ^ a b Vũ Khiêu 2004, tr. 339.
  13. ^ a b Trần Văn Giáp 1964, tr. 7.
  14. ^ Nguyễn Lang 2000, tr. 366-367.
  15. ^ Nguyễn Lang 2000, tr. 493.
  16. ^ Tạ Ngọc Liên (16 tháng 11 năm 2007). “Nho giáo ở Việt Nam thế kỷ XV - đầu thế kỷ XVI”. Viện nghiên cứu Hán Nôm. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2023.
  17. ^ Khắc Mạnh, Trịnh; Tuyết Lan, Chu; Văn Các, Phan (2009). Tư tưởng Nho giáo ở Việt Nam. Viện nghiên cứu Hán Nôm. Hà Nội: Nhà xuất bản thế giới. tr. 141.
  18. ^ Nguyễn Lang 2000, tr. 366.
  19. ^ a b Vũ Khiêu 2004, tr. 340.
  20. ^ Nhiều tác giả (2003). Địa chí Nam Định. Nam Định: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia. tr. 803. Bản gốc lưu trữ ngày 2 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  21. ^ Lê Hồng Khánh (29 tháng 6 năm 2023). “Những cuộc tình éo le trong sử Việt: Đào nương tình đậm”. Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  22. ^ “Hai mối tình ngang trái của Trạng Lường Lương Thế Vinh”. Đời Sống và Pháp Luật. 6 tháng 5 năm 2015. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  23. ^ Trần A.B. (30 tháng 11 năm 2016). “Quan thanh liêm về hưu cho quan hống hách 'ăn quả đắng'. Pháp Luật. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 8 năm 2023. Truy cập ngày 3 tháng 8 năm 2023.
  24. ^ a b c d Trần Hòa (22 tháng 2 năm 2022). “Bài văn đối sách giúp Lương Thế Vinh đỗ Trạng nguyên”. Giáo dục Thủ đô. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  25. ^ Quốc Chấn 2006, tr. 59.
  26. ^ a b c d Dương Tâm (17 tháng 11 năm 2018). “Lương Thế Vinh - người thầy giỏi Toán 'khác mọi thầy'. VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  27. ^ “Trạng nguyên Việt Nam và một niềm kiêu hãnh đã mất...”. Nhân Dân. 25 tháng 8 năm 2007. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  28. ^ a b “Hội thảo khoa học 'Trạng nguyên Lương Thế Vinh – Thân thế và sự nghiệp'. Đảng Cộng sản Việt Nam. 28 tháng 8 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  29. ^ Nguyễn Lang 2000, tr. 364.
  30. ^ Nguyễn Lang 2000, tr. 361.
  31. ^ “Trạng nguyên Lương Thế Vinh”. Cổng thông tin huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. 5 tháng 3 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2023.
  32. ^ “Lương Thế Vinh - Vị Trạng Nguyên đa tài”. VOV2. 7 tháng 1 năm 2019. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  33. ^ Minh Thuận (1 tháng 2 năm 2013). “Đền thờ Trạng nguyên Lương Thế Vinh”. Báo điện tử Nam Định. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  34. ^ a b Lý Thanh Hương (28 tháng 8 năm 2011). “Hội thảo khoa học 'Trạng nguyên Lương Thế Vinh – Thân thế và sự nghiệp'. Tuyên giáo. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  35. ^ “Kỷ niệm 570 năm Ngày sinh danh nhân lịch sử Lương Thế Vinh”. Nhân Dân. 28 tháng 8 năm 2011. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 29 tháng 7 năm 2023.
  36. ^ “Chuyện đời ly kỳ của trạng Lường”. Bảo tàng lịch sử quốc gia. 27 tháng 9 năm 2010. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.
  37. ^ a b Ngọc Trìu (10 tháng 12 năm 2020). “Giai thoại về Trạng Nguyên Lương Thế Vinh- Người đặt nền móng cho nền Toán học Việt Nam”. Pháp Luật. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 7 năm 2023.

Tài liệu trích dẫn

[sửa | sửa mã nguồn]

Đọc thêm

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Volkov, Alexei (2002), “On the Origins of the Toan phap dai thanh”, trong Samplonius, Yvonne Dold; Dauben, Josephn W. (biên tập), From China to Paris: 2000 Years Transmission of Mathematical Ideas, Franz Steiner Verlag, tr. 369–410, ISBN 978-3-515-08223-5
  • Volkov, Alexei (2009), “Mathematics and Mathematics Education in Traditional Vietnam”, trong Robson, Eleanor; Stedall, Jacqueline (biên tập), The Oxford Handbook of the History of Mathematics, Oxford: Oxford University Press, tr. 153–76, ISBN 978-0-19-921312-2
  • Volkov, Alexei (2016), “Mathematics in Vietnam”, trong Selin, Helaine (biên tập), Encyclopaedia of the History of Science, Technology, and Medicine in Non-Western Cultures (ấn bản thứ 3), Berlin: Springer-Verlag, tr. 2818–2833, ISBN 978-94-007-7748-4

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn]