Bước tới nội dung

Thành cổ Sơn Tây

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Tập tin:Trung tâm Thị xã Sơn Tây 2022.jpg
Toàn cảnh thành cổ Sơn Tây nhìn từ trên cao (không ảnh) năm 2022.
Thành Sơn Tây, tháng 4 năm 1884, một trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn
Bản vẽ thành Sơn Tây

Thành cổ Sơn Tây được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822) tại tỉnh cũ Sơn Tây, là tòa thành cổ được xây bằng đá ong của Việt Nam có tổng diện tích 16 ha với các kiến trúc độc đáo như: tường thành bằng đá ong, 4 cổng thành xây bằng gạch cổ. Đây là một trong số ít tòa thành dưới thời Minh Mạng còn lại đến ngày nay, thành được xây dựng kiên cố để bảo vệ vùng đất phía tây bắc Thăng Long.[1]

Thành cổ Sơn Tây đã được Bộ Văn hóa - Thông tin nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận là di tích lịch sử kiến trúc quốc gia năm 1994. Ngày nay, tòa thành này vẫn còn tồn tại ở trung tâm thị xã Sơn Tây, Hà Nội và trở thành một di tích lịch sử và kiến trúc quân sự.

Địa thế

[sửa | sửa mã nguồn]

Thời trước người ta coi trọng bốn vùng đất là phên giậu che chở cho Thăng Long và cũng là bàn đạp để triều đình có thể vươn xa ra vùng biên giới thường được gọi là Tứ trấn (bốn trọng trấn), gồm có: ^q, Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Nam. Đến thời Nguyễn, Sơn Tây vẫn được xếp là một trong bốn trọng trấn ở Bắc Kỳ, phía trong thì che chở, bảo vệ Bắc Thành, bên ngoài thì làm bàn đạp, làm hậu cứ để triều đình bảo vệ vùng biên cương ở thượng lưu sông Đà, sông Hồng, sông Lô, do đó nhà Nguyễn đặt Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên đóng tại thành Sơn Tây để giữ yên cả vùng rộng lớn Tây Bắc và Việt Bắc gồm 5 phủ, 24 huyện mà ngày nay bao gồm toàn bộ tỉnh Vĩnh Phúc cộng với huyện Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, hầu như toàn bộ tỉnh Phú Thọ và hơn một nửa tỉnh Hà Tây.

Do địa thế mà từ xa xưa lúc nào Sơn Tây cũng là hậu cứ, là bàn đạp cho vùng biên giới xa xôi. Nhiệm vụ này là do chính địa thế Sơn Tây so với vùng thượng du Tây Bắc và Bắc Kỳ quy định. Sơn Tây còn là vùng dân Việt sinh sống lâu đời, đông đúc, một vùng đất cơ bản của người Việt từ khi lập nước.

Lịch sử

[sửa | sửa mã nguồn]
Vọng lâu (ngày nay là cột cờ) và hồ nước, ảnh chụp năm 1883.

Năm 1469, trấn Sơn Tây đóng ở làng La Phẩm, tổng Thanh Lãng, huyện Tiên Phong, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Hà Nội), thời đó gọi là Sơn Tây Thừa Tuyên.

Đến thời Lê Cảnh Hưng, trấn sở được dời về xã Mông Phụ, huyện Phúc Lộc, phủ Quảng Oai (nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây)

Năm 1822, vua Minh Mạng cho xây thành theo kiến trúc Vauban, nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai (nay thuộc các phường Quang Trung, Ngô QuyềnLê Lợi), cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km về phía Đông.

Thành cổ này, trong khoảng thập kỷ 70 - 80 của thế kỷ 19, là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn (với những nhân vật lãnh đạo như: Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc,...) giữa hai cuộc xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất (1872) và lần thứ hai (1883) của Pháp. Thành thất thủ vào tay quân Pháp ngày 16 tháng 12 năm 1883.

Ngày 16 tháng 5 năm 1924, Toàn quyền Đông Dương đã ra nghị định xếp hạng di tích thành Sơn Tây và giao trường Viễn Đông Bác Cổ (nay là Viện Bảo tàng lịch sử trung ương Pháp) quản lý.

Ngày 26 tháng 5 năm 1946, sau khi thăm Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn (lúc đó đóng ở khu vực Bến xe Sơn Tây ngày nay), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp mặt và nói chuyện với đồng bào ở thành cổ Sơn Tây.

Tháng 12 năm 1946, một cuộc họp của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra ở đây.

Ngày 15 tháng 10 năm 1994, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra quyết định 2757QĐ/BT công nhận đây là Di tích lịch sử và kiến trúc.[2]

Kiến trúc

[sửa | sửa mã nguồn]

Theo thư tịch cổ, thành trì này có chu vi 326 trượng 7 thước (1306,8m), tường thành cao 1 trượng 1 thước (4,4m). Chu vi hào nước bao quanh thành là 448 trượng (1792m), rộng 6 trượng 7 thước (26,8m), sâu 1 trượng (4m).

Trong hồi ký của Charles Edouard Hocquard một bác sĩ trong quân đội viễn chinh Pháp đã tả lại thành Sơn Tây vào tháng 4 năm 1884 như sau:

Bản đồ thành cổ Sơn Tây.

Thành cổ Sơn Tây được kiến trúc theo kiểu Vauban (kiểu công trình quân sự lấy theo tên kỹ sư Vauban người Pháp), tường thành bằng đá ong chạy theo đường gãy khúc, nhưng tổng thể có hình vuông. Vị trí thành nằm ở khoảng tọa độ 21°08'11,11" - 21°08'28,76" vĩ bắc và 105°30'07,49" - 105°30'26,48" kinh đông.

Thành nằm giữa thị xã Sơn Tây, trên phần đất của hai làng cổ là Thuần Nghệ và Mai Trai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 42 km. Thành có 4 cửa quay ra các hướng Bắc (chính xác là hướng Bắc Đông Bắc), Nam, Tây, Đông, và lần lượt có tên là: cửa Hậu, cửa Tiền, cửa Hữu, cửa Tả. Trước đây bốn cửa đều có cầu gạch bắc qua hào nước, nhưng hiện nay chỉ có hai cửa chính là cửa Tiền và cửa Hậu, có cầu bắc qua hào nước, dẫn vào cổng thành. Trục kiến trúc chính của thành là trục nối hai cửa Tiền và Hậu, theo hướng Bắc Đông Bắc - Nam Tây Nam. Cửa Tiền nhìn ra phố Quang Trung. Cửa Hậu hướng ra phố Lê Lợi (nơi đặt trụ sở Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây), thẳng tới bờ sông Hồng. Cửa Tả nhìn ra phố Phùng Khắc Khoan chạy thẳng lên trung tâm thành phố Hà Nội theo quốc lộ 32. Cửa Hữu hướng ra phố Trần Hưng Đạo, phố này nối với phố Ngô Quyền chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm theo quốc lộ 32.

Cửa Hậu

[sửa | sửa mã nguồn]

Cửa Hậu là cửa phía Bắc lệch Đông, hướng ra sông Hồng theo phố Lê Lợi. Trước đây các cây cầu bắc qua hào đều bố trí vào vị trí của tháp và lệch với vị trí cổng thành để có lợi cho việc phòng thủ. Năm 1883 khi quân Pháp tấn công thành Cửa Hậu bị hư hại nặng. được Charles Edouard Hocquard mô tả lại trong hồi ký như sau: ... Với bức trán tường có những vành bằng tre, những phiến đá đen rêu phủ bị những mảnh pháo và những viên đạn rạch nát, cái cửa này có dáng oai nghiêm và dễ sợ của một người lính gác già bị tùng xẻo đến chết ở đây.[3]

Trước năm 1995, cổng này vẫn còn giữ được nguyên thủy như những năm 1883; 1884 và có một cây đa đẹp nhất khu thành cổ. Thật tiếc là năm 1995 đã bị chặt bỏ để xây một cổng thành mới không phù hợp với không gian cổ xưa.

Hai bên cổng thành đặt hai khẩu súng thần công.

Cửa Tiền

[sửa | sửa mã nguồn]

Cửa Tiền là cổng phía Nam lệch Tây của thành Sơn Tây, nằm ở đầu phố Quang Trung ngày nay. Cây cầu gạch bắc qua hào nước không được bố trí ngay trước cửa ra vào mà được xây dựng vào khoảng giữa cột cờ. Sau khi chiếm được thành, người Pháp đã cho mở một cửa mới ở ngay trước cầu để tiện đi lại, nhưng cổng cũ vẫn được giữ nguyên cho đến ngày nay

Cửa Hữu

[sửa | sửa mã nguồn]
Tranh vẽ quân Pháp đánh cửa Tây thành Sơn trong trận Sơn Tây (1883).
Cửa Hữu (phía Tây) thành cổ Sơn Tây do người Pháp cho xây lại
Đường Tượng đạo phía tây thành cổ Sơn Tây.

Cửa Hữu là cửa phía Tây lệch Bắc, hướng ra trường trung học phổ thông Sơn Tây cũ, nhà thi đấu Sơn Tây, phố Trần Hưng Đạo (Đệ Nhị cũ), phố này nối với phố Ngô Quyền (Hữu Lợi cũ), chạy thẳng lên làng cổ Đường Lâm. Trong trận Pháp đánh thành Sơn Tây (1883), Cửa Hữu đã bị đại bác của quân Pháp phá hủy hoàn toàn. Sau khi chiếm được thành, người Pháp cho xây lại để ngăn cản quân Cờ Đen tấn công trở lại.[3][4]

Cửa Tả

[sửa | sửa mã nguồn]
Cửa Tả tháng 4 năm 1884 (người chụp đứng trên cầu)
Cảnh bờ hào thành cổ, vị trí thời xưa từng là cửa Tả (cổng phía đông) của thành.

cửa tả là cổng thành phía Đông lệch Nam của thành cổ Sơn Tây, nhìn ra chợ Nghệ, bưu điện Sơn Tây, phố Phùng Khắc Khoan nối với Quốc lộ 32 đi Hà Nội. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước người ta chuyển chợ Nghệ vào họp tạm ở trong thành cổ, một chiếc cầu tạm được dựng lên. Có lẽ để tiện việc đi lại người ta đã phá hủy chiếc cổng này, nên hiện nay không còn.

Thành nội

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong thành có các hạng mục kiến trúc: cột cờ cao 18m, cửa hành cung, hành cung, hai giếng vuông, phía trước khu nghi lễ (Hành Cung, sân, điện), gần với cửa Tiền. Điện ở đây từng là tòa nhà 5 gian hai chái, tám mái chồng diêm, nằm khoảng chính giữa thành, là nơi làm việc của các quan.

Chú thích

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ Sơn Tây thành phố xứ Đoài, nxb VHTT, 2007, trang 66
  2. ^ Sơn Tây thành phố xứ Đoài, nxb VHTT, 2007, trang 68-69
  3. ^ a b Charles Edouard Hocquard, Chiến dịch Bắc kỳ (Une Campagne au Tonkin)
  4. ^ Văn nghệ quân đội 10-2007, trang 29
  5. ^ Ở đây xin cải chính một điều mà ở thời gian xây thành là điều cấm kỵ nghiêm ngặt: đó là gọi hành cung Sơn Tây là "Điện Kính Thiên" và cổng hành cung là "Đoan Môn". Chỉ duy nhất ở Hà Nội, nơi trước kia vua Lê ngự và sau này vua Gia Long đóng lại khi ra Bắc mới có Đoan Môn và Điện Kính Thiên. Đó là nơi ở của vua nên ai gọi tên như thế là "phản nghịch", "phạm thượng" chứ không phải chuyện nhỏ.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]