Bước tới nội dung

Zōni

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Zōni
LoạiSúp
Xuất xứNhật Bản
Thành phần chínhBánh gạo mochi

Zōni (雑煮 hay ぞうに (Tạp chử)?), thường được gọi với tiền tố "o-" là o-zōni, là một món súp của Nhật Bản có chứa bánh gạo mochi ở bên trong.[1] Món ăn này có mối liên hệ mật thiết tới dịp Tết ở Nhật Bản và là phiên bản truyền thống của món osechi được dùng trong những dịp trang trọng. Những biến thể khác của zōni đến từ những cách chế biến khác nhau của từng gia đình và các vùng miền khác nhau.[1]

Ăn mochi nướng từ zōni.
Zōni và osechi.
Hakata zōni.

Nguồn gốc tên gọi

[sửa | sửa mã nguồn]

Trong tiếng Nhật, Zōni được viết với hai ký tự kanji. Ký tự đầu tiên, 雑có nghĩa là "hỗn hợp" hoặc "trộn", còn ký tự thứ hai có nghĩa là " ninh " hoặc "đun sôi".Người ta cho rằng từ này bắt nguồn từ những thành phần trong zōni bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau (chẳng hạn như bánh mochi, rauhải sản) được nấu chung với nhau. Trước đây, món ăn được gọi là Hōzō (烹雑, phanh tạp) trong giới samurai, với từ là một thuật ngữ cổ có nghĩa là "ninh nhỏ lửa" hoặc "đun sôi".[2]

Nguồn gốc

[sửa | sửa mã nguồn]

Người ta nói rằng zōni bắt nguồn từ các món ăn được phục vụ cho các samurai. Nó được cho là một món ăn được nấu cho binh lính trên chiến trường, với thành phần chính là mochi, rauthực phẩm khô, cùng các thành phần phụ khác. Mọi người cũng thường tin rằng món ăn này lúc đầu chỉ dành riêng cho các samurai, về sau đã trở thành món ăn chính của dân thường. Zōni ban đầu được phục vụ như một phần trong một bữa ăn tối với đủ các món khác nhau (honzen ryōri), do đó nó được cho là một bữa ăn vô cùng quan trọng đối với samurai.

Truyền thống ăn zōni vào ngày đầu năm mới có từ cuối thời Muromachi (1336–1573). Món ăn này sẽ được dâng lên các vị thần trong một buổi lễ vào đêm giao thừa.[3]

Biến thể

[sửa | sửa mã nguồn]

Biến thể từ các vùng miền

[sửa | sửa mã nguồn]

Zōni có nhiều biến thể ở các vùng miền khác nhau trên đất nước Nhật Bản. Tại nhiều vùng, bao gồm cả vùng Kantō, nguyên liệu chế biến zōni bao gồm một món súp trong gọi là sumashi-jiru với hương vị dashi, một loại nước dùng làm từ cá ngừ khô và/hoặc kombu, cùng với nước tương. Ở vùng Kansai và phía đông Shikoku, zōni được làm từ miso trắng, trong khi ở một phần của tỉnh Fukui, zōni được làm từ miso đỏ. Ở vùng Tottori - Izumo, nhiều loại súp đậu đỏ được sử dụng để nấu zōni.[3][4]

Biến thể của Mochi

[sửa | sửa mã nguồn]

Tùy theo từng vùng miền mà việc chế biến mochi cho món ăn cũng rất đa dạng. Ở vùng Kantō và vùng Tōhoku, bánh mochi sẽ được cắt thành hình vuông và nướng trước khi cho vào nước dùng.Tại vùng Kansai và Chūgoku, mọi người thường chuộng loại bánh mochi có hình dạng tròn, sau đó đem luộc chín. Tại hầu hết vùng Kyushu, bánh mochi dạng tròn cũng rất phổ biến, nhưng tùy vào từng nơi mà cách nướng-luộc mochi cũng khác nhau.[4][5] Ở một số nơi khoai môn hoặc đậu phụ được sử dụng thay cho bánh mochi. Loại zōni này có thể được tìm thấy trên một số hòn đảo hoặc khu vực miền núi, nơi lúa không được trồng ở quy mô lớn.

Các thành phần bổ sung

[sửa | sửa mã nguồn]

Các thành phần phổ biến bổ sung cho món súp bao gồm thịt gà, hoặc thịt viên; các loại rau lá như komatsuna hoặc rau bina; mitsuba (một loại thảo mộc của Nhật Bản tương tự như rau mùi tây); các loại kamaboko chẳng hạn như naruto và cà rốt để tạo màu [5] và vỏ yuzu để tạo mùi thơm giống mùi cam quýt. Ngoài ra, mọi người cũng thường cho thêm các đặc sản của từng vùng miền. Một ít ớt bảy loại (shichimi ) đôi khi cũng được thêm vào món ăn.

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn]
  1. ^ a b “美保湾 (Miho-wan)”. Dijitaru daijisen (bằng tiếng Nhật). Tokyo: Shogakukan. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 20 tháng 5 năm 2012.
  2. ^ 雑煮 (bằng tiếng Nhật). Truy cập ngày 8 tháng 8 năm 2013.
  3. ^ a b “Tone-gawa”. Nihon Kokugo Daijiten (bằng tiếng Nhật). Tokyo: Shogakukan. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2012.
  4. ^ a b 日本全国お雑煮文化圏地図 [O-zōni cultural zones map throughout Japan] (bằng tiếng Nhật). TripAdvisor. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2016.
  5. ^ a b “Zōni”. Encyclopedia of Japan. Tokyo: Shogakukan. 2012. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2007. Truy cập ngày 22 tháng 5 năm 2012.